Việt Nam: thuộc vào thiểu số các quốc gia bị báo cáo vi phạm nhân quyền nhiều nhất

  • Báo cáo vi phạm: thanh gươm bén cho những ai biết sử dụng để bảo vệ nhân quyền

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 17 tháng 2, 2019

http://machsongmedia.com

Theo nguồn tin từ LHQ, Việt Nam hiện là nước đứng thứ 2 về bị báo cáo vi phạm tư do tôn giáo, chỉ sau Iran và là 1 trong 5 nước bị báo cáo nhiều nhất về giam giữ tuỳ tiện. Việt Nam đang là một quốc gia được các định chế nhân quyền LHQ chú ý. Nâng Việt Nam lên trong thứ bậc cần quan tâm về tình trạng nhân quyền nằm trong kế hoạch trường kỳ của BPSOS.

Trang mạng của Nhóm Công Tác LHQ về việc giam giữ tùy tiện

Chương trình huấn luyện về viết báo cáo

Năm 2012 BPSOS bắt đầu huấn luyện cách báo cáo vi phạm nhân quyền theo tiêu chuẩn của LHQ cho một số người ở trong và ngoài nước. Năm 2014, BPSOS hệ thống hoá các buổi huấn luyện thành chương trình đều đặn quanh năm. Đến nay, gần 2 nghìn người ở trong và ngoài nước đã qua chương trình huấn luyện này, ở cấp 1: thu thập và phối kiểm thông tin, và khoảng 100 người ở cấp 2: biên soạn bản báo cáo theo tiêu chuẩn của LHQ.

Thành tựu của họ đến nay là đã thực hiện tổng cộng trên 150 bản báo cáo, chính yếu là về vi phạm tự do tôn giáo nhưng cũng bao gồm các vi phạm về quyền văn hoá, về quyền phụ nữ, về giam giữ tuỳ tiện, về tra tấn, về cưỡng bức mất tích… Năm 2014, BPSOS bắt đầu phối hợp với 14 tổ chức khác để báo cáo về các trường hợp tù nhân lương tâm Việt Nam, mà đa phần được xem là bị bắt giữ tuỳ tiện, với con số hiện nay lên đến 244 người.

Tăng sự chú ý của quốc tế

Ngày 20 tháng 8, 2018 tại Bangkok, Thái Lan, nói chuyện trước công chúng ngay sau Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay niềm tin cho biết là Việt Nam đứng thứ 2 bị báo cáo về vi phạm quyền tự do tôn giáo, chỉ sau Iran. Trước đó, văn phòng của vị báo cáo viên đặc biệt này cho tôi biết là họ ngạc nhiên về phẩm chất của các bản báo cáo về hiện trạng tại Việt Nam: chuẩn, chính xác, nhanh chóng. Một số nhân viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng cho tôi nhận xét tương tự — các bản báo cáo nộp cho LHQ cũng được chuyển đến bộ phận nhân quyền của một số chính quyền quan tâm.

Trong chuyến đi vận động LHQ vào tháng 12 vừa qua để chuẩn bị cho buổi kiểm điểm định kỳ phổ quát đối với Việt Nam, toán đại diện BPSOS được nhân sự của Tổ Công Tác LHQ về Giam Giữ Tuỳ Tiện cho biết Việt Nam thuộc 1 trong 5 quốc gia đứng đầu về số báo cáo về giam giữ tuỳ tiện.

Ít ra trong lĩnh vực tự do tôn giáo và giam giữ tuỳ tiện, Việt Nam thuộc số các quốc gia đầu sổ được LHQ lưu tâm.

Trang đầu của một bản báo cáo về việc người đạo Cao Đài bị cấm không được chôn.

Những tác động thiết thực

Câu hỏi cần đặt ra là, bị LHQ chú ý thì có lợi ích gì thiết thực? Tôi thấy ít ra là có 3 lợi ích.

Lợi ích thứ nhất là hồ sơ báo cáo sẽ được những định chế nhân quyền của LHQ lên tiếng can thiệp. Chẳng hạn, ngày 31 tháng 8, 2018 vừa qua, bốn báo cáo viên đặc biệt của LHQ cùng gửi văn thư đến chính phủ Việt Nam để yêu cầu nhà nước Việt Nam giải trình về các hành vi đàn áp Chánh Trị Sự Cao Đài Hứa Phi và nhiều tín đồ của Hội Thánh Tin Lành Phúc Âm ở tỉnh Đắc Lắc. (Xem văn bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của BPSOS ở cuối bài.) Và còn nhiều nữa, như hồ sơ “Hội Cờ Đỏ”, hồ sơ Giáo Xứ Đông Yên, hồ sơ Giáo Xứ Cồn Dầu, hồ sơ tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Hữu Tấn, hồ sơ bà Trần Thị Hồng…

Tuy các định chế nhân quyền của LHQ không có thẩm quyền chế tài, sự lên tiếng của họ có uy thế và tính thuyết phục cao nên giúp ích cho chúng tôi khi vận động sự can thiệp của các chính quyền có ảnh hưởng mạnh lên Việt Nam và có biện pháp cùng khả năng chế tài.

Lợi ích thứ hai là, khi một hồ sơ đã được báo cáo với LHQ thì nội dung của nó sẽ được lưu giữ trong văn khố của LHQ, với tiềm năng được sử dụng dài lâu và cho nhiều mục đích. Chẳng hạn, khi chuẩn bị một cuộc kiểm điểm đối với Việt Nam, uỷ ban hữu trách của LHQ thường tham khảo văn khố này như một trong những nguồn thông tin tham khảo khi lập “danh sách các vấn đề” trước buổi kiểm điểm, đặt câu hỏi tại buổi kiểm điểm, và đề ra các khuyến cáo sau buổi kiểm điểm.  Hoặc, Cao Uỷ Tị Nạn LHQ đã sử dụng văn khố này để đối chiếu lời khai của các người xin tị nạn.

Lợi ích thư ba là, báo cáo với LHQ có tác dụng biến các hành vi đàn áp người dân ở địa phương thành sự vi phạm các cam kết đối với quốc tế mà nhà nước trung ương phải giải trình. Nói cách khác, qua việc báo cáo vi phạm với LHQ người dân ở trong nước có thể bước vào sân đấu quốc tế nơi luật đấu công bằng. Khi người dân càng tăng khả năng khai dụng sân đấu quốc tế thì lực và thế của họ đều tăng dần lên so với chế độ.

Phương tiện cho người bảo vệ nhân quyền

Các công cụ và định chế nhân quyền của LHQ là một phương tiện quan trọng mà những người bảo vệ nhân quyền không thể bỏ qua. Bình thường, nạn nhân của sự đàn áp nhân quyền không đủ kiến thức, năng lực hoặc kinh nghiệm để thực hiện các bản báo cáo, hoặc đang phải đối phó với những nguy cơ cận kề nên không có thời giờ, tâm trí hoặc phương tiện để  thực hiện bản báo cáo cho chính mình. Họ cần những người sẵn sàng báo cáo hộ.

Đó là vai trò và cũng là trách nhiệm của những người Việt ở trong và ngoài nước đang quan tâm đến tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Thay vì chỉ có chỉ trích khơi khơi và lên án chung chung, những người này cần khai thác thủ tục báo cáo của LHQ để phơi bày từng trường hợp vi phạm cụ thể ra với quốc tế.

Huấn luyện về viết báo cáo

Lý tưởng, mỗi cộng đồng bị bách hại phải có sẵn vài người chuyên viết báo cáo để hễ xảy ra vi phạm thì lập tức có bản báo cao gửi đúng nơi đúng chỗ. Có vậy cộng đồng ấy mới đẩy lùi được sự đàn áp một cách dài lâu. BPSOS vẫn tiếp tục huấn luyện người viết báo cáo cho các cộng đồng để phát triển khả năng tự bảo vệ.

Nhưng có những cộng đồng đang bị bách hại nhưng hoàn toàn thiếu khả năng để tự viết báo cáo và những nạn nhân cá lẻ đang bị truy bức đến nỗi không thể tự viết được bản báo cáo. Để giúp họ, chúng tôi kêu gọi những người có khả năng và đang không gặp nguy hiểm nhận trách nhiệm viết báo cáo hộ. Chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn và huấn luyện.

Một vài hình ảnh minh họa trong cùng một bản báo cáo về Cao Đài

Mục tiêu cho năm 2019

Mục tiêu của BPSOS cho năm 2019 gồm có:

(1)    Đào tạo và huấn luyện thêm 500 người về thu thập và phối kiểm thông tin, và 50 người về cách viết báo cáo. Để tham gia chương trình huấn luyện, xin liên lạc: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

(2)    Hình thành “Ban Viết Báo Cáo” để hỗ trợ việc viết báo cáo hộ cho những cộng đồng hoặc cá nhân bị bách hại mà chưa có khả năng tự viết các bản báo cáo theo tiêu chuẩn của LHQ.

(3)    Thiết kế lại trang mạng Tiếng Nói Dân Chủ của Việt Nam (Democratic Voice of Vietnam): http://dvov.org để trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy cho quốc tế tham khảo về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Những ai muốn tìm hiểu về hình thức và nội dung của các bản báo cáo, xin xem các bản báo cáo mẫu tại đây:

–          Báo cáo vi phạm về tự do tôn giáo hay niềm tin: http://dvov.org/reports-of-forb-violations/

–          Báo cáo vi phạm về các lĩnh vực nhân quyền khác: http://dvov.org/special-procedures/

–          Báo cáo vi phạm phạm theo công ước LHQ về nhân quyền: http://dvov.org/treaty-reviews/

Kết luận

Chúng tôi khuyến khích các người Việt đấu tranh cho nhân quyền ở trong và ngoài nước đầu tư thời giờ, trí tuệ và công sức để tận khai thác các điều luật quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng và bảo vệ. Giúp LHQ và các chính quyền quan tâm giám sát việc thực thi những cam kết này sẽ góp phần cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền, và tạo vành đai an toàn cho các cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự.

Một phụ phẩm của việc báo cáo là nâng Việt Nam lên thêm nữa trong số quốc gia bị báo cáo nhiều nhất về vi phạm nhân quyền. Chẳng hạn, trong năm nay Việt Nam có cơ hội vượt qua Iran về lượng báo cáo vi phạm tự do tôn giáo.

Qua cộng việc báo cáo, chính mỗi người tham gia cũng tự khai mở sự hiểu biết của mình về nhân quyền, tự làm quen với các định chế nhân quyền quốc tế, và tự nâng tầm hoạt động lên một nấc cao hơn.

Thanh gươm bén đang cần thêm nhiều kiếm sĩ giỏi.

Bài liên quan:

Văn thư ngày 31 tháng 8, 2018 của LHQ gửi nhà nước Việt Nam (bản gốc tiếng Anh) về CTS Hứa Phi và một số người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành: https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadPublicCommunicationFile?gId=23980

Bản tiếng Việt: http://dvov.org/wp-content/uploads/2019/02/Aug-31-2018-communication-Vietnamese-translation.pdf

Danh sách các văn thư của các định chế LHQ lên tiếng với Việt Nam trong các năm 2017-2018:
http://dvov.org/communications-with-vietnam/

Danh sách các văn thư của các định chế LHQ lên tiếng với Việt Nam trong các năm 2011-2014:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2013/11/Summary-of-UN-SP-Communications-to-Viet-Nam-2011-2015.doc

Các thủ tục kiểm điểm của LHQ: sân đấu thay vì sân khấu, tỉ võ thay vì vỗ tay
http://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1433-2019-02-04-03-01-23

 

Viết một bình luận