Cơ hội cho tín đồ Tin Lành Tây Nguyên sau cuộc bố ráp của công an Đắk Lắk

• Lý do quốc tế đã lên tiếng nhanh, mạnh và đồng loạt

BPSOS, ngày 31 tháng 7, 2021

 

 

Cuộc bố ráp của công an Đắk Lắk nhắm cùng lúc vào 6 cộng đồng Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành trong các ngày 16 đến 18 tháng 7 đang mở ra cơ hội để đẩy lùi chính sách bách hại tôn giáo của nhà nước Việt Nam nói chung.

 

Trước hết, và đây là điểm có lẽ khá bất ngờ cho chế độ, quốc tế đã phản ứng nhanh, mạnh và đồng loạt chưa từng thấy:

 

• Ngay ngày 16, giới chức của nhiều toà đại sứ đã lên tiếng trực tiếp với chính quyền Hà Nội và Đắk Lắk.

 

• Cũng ngày 16, một số hình ảnh và đoạn video chọn lọc được đưa lên Facebook, cho công an Đắk Lắk thấy rằng mọi hành vi của họ đang được quốc tế theo dõi.

 

• Ngày 19, thông tin tóm tắt về sự việc được gửi đến nhiều cơ quan LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc tế (USCIRF), và một số toà đại sứ Phương Tây ở Việt Nam.

 

Hình 1: Ngày 16 tháng 7, công an “mời” Thầy Y Khen B’dap thuộc Buôn Ea Khit, Huyện Cư Kuin lên đồn công an làm việc.

• Ngày 20, giới chức đặc trách nhân quyền của Hoa Kỳ phỏng vấn một số nạn nhân để báo cáo về cho chính phủ của họ.

 

• Ngày 22, Dân Biểu Christopher Smith, tác giả Luật Nhân Quyền Việt Nam và Đồng Chủ Tịch của Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos của Hạ Viện Hoa Kỳ, được tường thuật cặn kẽ về cuộc bố ráp ở Đắk Lắk. Một buổi điều trần có thể sẽ được thực hiện bởi Uỷ Hội này về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Tây Nguyên và tình trạng buôn người lao động ở Việt Nam nói chung.

 

• Ngày 24, bản báo cáo chi tiết được gửi đến LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, USCIRF và nhiều toà đại sứ.

 

• Ngày 25, thông tin về cuộc đàn áp được chia sẻ với Liên Minh Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, gồm 32 quốc gia thành viên và 5 quốc gia quan sát viên.

 

• Ngày 27, nhân viên đặc trách Việt Nam của Uỷ Hội USCIRF phỏng vấn một số nạn nhân.

• Cùng ngày 27, Ts. James Carr, Uỷ Viên của USCIRF, và Ông Ned Price, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, lên án hành vi của công an Đắk Lắk.

 

• Ngày 28, Bà Nadine Maenza, Chủ Tịch USCIRF, lên án cuộc bố ráp.

 

• Cùng ngày 28, bản báo cáo chi tiết đã được gửi cho nhiều cơ quan LHQ chỉ một tuần sau sự việc xảy ra.

 

• Ngày 30, danh sách tù nhân lương tâm của USCIRF được bổ sung thêm 15 người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành – đây là tín hiệu về mối quan tâm tăng mạnh của USCIRF đối với tình hình đàn áp tôn giáo ở Tây Nguyên.

 

• Ngày 31 tháng 7, Đại Sứ Jos Douma đặc trách tự do tôn giáo hay niềm tin của Hoà Lan kiêm Chủ Tịch Liên Minh Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, lên tiếng bày tỏ quan ngại.

HLisa Nie

Hình 2: Cô H’Lisa Niê, 21 tuổi, phải truyền nước biển sau cuộc bố ráp và khảo tra của công an, cùng với con gái 17 tháng tuổi, bị khủng hoảng tinh thần trước hành vi bạo lực của công an, Buôn Dhiă, Xã Cư Né, Huyện Krông Buk, ngày 16/07/2021

Các yếu tố sau đây đóng góp cho phản ứng bén nhạy và mạnh mẽ này của quốc tế:

 

• Bảo vệ tự do tôn giáo là trào lưu đang lan rộng trên thế giới. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phối hợp hành động một cách chặt chẽ với 32 quốc gia thành viên của Liên Minh Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và Niềm Tin. Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam phối hợp chặt chẽ với trên một chục toà đại sứ thuộc các quốc gia này để bảo vệ tự do tôn giáo.

 

• Công an Đắk Lắk đã chọn sai thờ điểm khi thực hiện cuộc bố ráp ngay khi Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đang diễn ra ở thủ đô Hoa Kỳ. Ngày 14 tháng 7, Mục Sư A Ga thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị này. Chỉ 24 tiếng sau đó, hàng loạt tín đồ của hội thánh này ở Đắk Lắk bị công an bố ráp, xem như chủ ý thách thức toàn thể hội nghị. Trong số 900 người tham dự hội nghị có giới chức của 60 quốc gia, các chuyên gia LHQ, lãnh đạo của hầu hết các tôn giáo, và đại diện của hàng trăm tổ chức nhân quyền quốc tế. DB Christopher Smith, Bà Nadine Maenza, và Đại Sứ Jos Douma đều tham gia hội nghị này.

 

• BPSOS là thành viên kỳ cựu trong phong trào tự do tôn giáo toàn cầu nên có thể huy động sự lên tiếng nhanh và mạnh của quốc tế. từ năm 2015 BPSOS là thành viên của Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và Ts. Nguyễn Đình Thắng là thành viên Uỷ Ban Chỉ Đạo của tập hợp gần 1000 tham dự viên của bàn tròn này. Ts. Thắng thuộc hội đồng tư vấn cho Liên Minh Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và Niềm Tin. Ts. Thắng cũng ở trong ban tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, chủ trì mạng lưới lãnh đạo trẻ.

• Các cộng đồng Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành đã được đào tạo và huấn luyện nên làm được các bản báo cáo nhanh chóng và đúng theo thể thức và tiêu chuẩn của LHQ ngay giữa cuộc bố ráp. Nhờ có sự tương thân tương trợ của cộng đồng, các nạn nhân vượt qua nỗi sợ hãi để bình tâm đối phó với cuộc bố ráp.

 

Pastor A Ga

Hình 3: Mục Sư A Ga phát biểu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Washington DC, ngày 14/07/2021 (ảnh BPSOS).

 

Những gì xảy ra trong 3 ngày 16-18 tháng 7 cống hiến cho họ nhiều cơ hội đẩy lùi chính sách bách hại tôn giáo của chính quyền. Trước hết là vận động LHQ, với sự theo dõi của chính quyền nhiều quốc gia và các tổ chức nhân quyền quốc tế, đòi hỏi nhà nước Việt Nam giải trình về:

• Vi phạm Công Ước LHQ về Quyền Trẻ Em khi công an tra khảo, hăm doạ, xúc phạm 2 thiếu niên 15 tuổi và 17 tuổi, khủng bố tinh thần em bé 17 tháng tuổi khi còng tay, còng chân và mạt sát người mẹ.

• Vi phạm quyền của phụ nữ khi công an bạo hành đối với người mẹ đơn hành 21 tuổi với con thơ 17 tháng, trong khi chồng phải lánh nạn ở Thái Lan.

 

• Vi phạm Công Ước Chống Tra Tấn khi còng tay, còng chân, chùm đầu các công dân vô tội; còng công dân vào ghế để bóp cổ, bóp hòn dái, và hăm doạ sẽ đập vỡ sọ rồi khai khống là nạn nhân tự sát.

 

• Vi phạm Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị khi ngăn cản công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo hay niềm tin và tuyên bố bất chấp công ước LHQ.

• Vi phạm cam kết với Hội Đồng Nhân Quyền LHQ là không hăm doạ và trả thù những người báo cáo vi phạm nhân quyền với LHQ.

 

• Vi phạm nghĩa vụ là thành viên LHQ khi đe doạ và cấm đoán công dân tưởng niệm các ngày quốc tế do LHQ đề ra để đánh dấu bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát và để tưởng niệm các nạn nhân của sự bạo hành vì lý do tôn giáo hay niềm tin.

 

Crackdown 2

Hình 4: Công an đang lục soát nhà ở và tịch thu tài sản của Thầy Truyền Đạo Y Nguyệt Bkrông thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, Buôn Ako Mleo, Xã Hoà Thắng, TP Buôn Ma Thuột, ngày 16/07/2021.

 

Song song, các nạn nhân còn có thể sử dụng ngay chính luật pháp Việt Nam để yêu cầu chính quyền điều tra, khởi tố và trừng phạt các thủ phạm về:

 

• Vi phạm điều khoản về chống tra tấn trong Luật Hình Sự.

 

• Vi phạm Luật Tiếp Công Dân khi dùng bạo lực để trấn áp thay vì trả lời văn thư mà công dân đã gửi ra nhiều tháng trước, yêu cầu chính quyền hướng dẫn đăng ký sinh hoạt tôn giáo.

 

• Vi phạm Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo khi khủng bố tinh thần của công dân, tịch thu kinh thánh của họ, ngăn cấm họ không được tụ họp để thể hiện niềm tin tôn giáo.

 

• Vi phạm hàng loạt các thủ tục khi áp giải công dân vào 4 giờ, 5 giờ sáng, không lập biên bản và niêm các tài sản tịch thu (điện thoại, máy vi tính, kinh thánh, v.v.), không lập biên bản các buổi làm việc, ép công dân phải ký bản cam kết ngoài ý muốn.

 

• Vi phạm lệnh giãn cách khi kéo cả đoàn 20, 30 và có nơi trên 100 công an bao vây và xông vào nhà bắt công dân, có trường hợp còn giật khẩu trang của công dân.

 

• Lái xe che bảng số, giả toán y tế và vu khống công dân bị nhiễm COVID-19 cần cách ly để bắt công dân đi khảo tra.

 

Fake medical team

Hình 5: Toán y tế giả, tung tin giả, đi xe che biển số đến bắt Ông Y Kheng Kpă, tín đồ Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm ở Buôn Dhiă, Xã Cư Né, Huyện Krông Buk.

 

Bình thường, chính quyền dễ dàng lờ đi các yêu cầu này. Tuy nhiên, khi quốc tế đang theo dõi sát sao, thái độ tảng lờ của nhà nước sẽ tăng sự nghi ngờ về thiện chí và thực tâm của Việt Nam đối với các cam kết quốc tế. Điều này sẽ giúp ích cho Uỷ Hội USCIRF vận động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC.

 

Các hành vi vi phạm tràn lan trong 3 ngày 16 – 18 tháng 7 cung cấp tư liệu đủ cho cộng đồng Tin Lành Tây Nguyên khai thác trong cả năm tới đây. Vấn đề là những người trong cuộc có muốn và có đủ đảm lược để khai thác hay không.

Viết một bình luận