Hướng về Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2022: Vận động cho người tị nạn ở Thái Lan

  • Đoàn Việt Nam sẽ có nhiều người tị nạn và cựu tị nạn ở Thái Lan

Mạch Sống, ngày 19 tháng 6, 2022

http://machsongmedia.com

Là thành phần của ban tổ chức, BPSOS sẽ lồng vào nghị trình của Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2022 chủ đề bảo vệ nạn nhân của sự bách hại vì lý do tôn giáo, trong đó bao gồm vận động tự do cho các tù nhân lương tâm tôn giáo và bảo vệ những nạn nhân đang lánh nạn ở quốc gia khác.

Để thực hiện cuộc vận động bảo vệ người tị nạn, đoàn Việt Nam do BPSOS điều hợp sẽ gồm nhiều người tị nạn ở Thái Lan trước đây cũng như một người đến trực tiếp từ Thái Lan để tham gia hội nghị thượng đỉnh.

Tuy không thừa nhận về mặt luật pháp, nhưng hiện nay Thái Lan đang là quốc gia dung chứa phần lớn những người tị nạn đến từ Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Phần lớn trong số này là người bị bách hại vì niềm tin tôn giáo.

Hình 1 – Gia đình Ông Hoàng Văn Pá từ Thái Lan đến phi trường Denver, Colorado ngày 11 tháng 4, 2022

Hiện nay ở Thái Lan, có khoảng 1500 người Việt, trong đó hơn phân nửa đã có quy chế tị nạn nhưng chưa được định cư. Số còn lại hoặc đã bị từ chối quy chế tị nạn hoặc đang phỏng vấn quy chế tị nạn với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ.

Người Việt đang lánh nạn ở tại Thái Lan có đặc điểm chung đó là phần lớn thuộc các sắc dân thiểu số: người H’mong và người Thượng theo đạo Tin Lành, và người Khmer Krom theo Phật Giáo tiểu thừa. Ngoài ra cũng có một số giáo dân Công Giáo bị bách hại do đứng lên đòi công lý trong vụ nhà máy gang thép Formosa xả thải chất độc vào biển năm 2016. Số người Việt đi tị nạn chính trị chỉ là tỉ lệ nhỏ ở Thái Lan.

Bằng nỗ lực của mình và với sự đóng góp tài chánh của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, BPSOS đã mở văn phòng pháp lý hoạt động tại Bangkok từ năm 2010. Tại đây có các luật sư, các trợ luật viên, các thông dịch viên và cán sự xã hội để giúp đỡ người lánh nạn về quy chế tị nạn và nhiều mặt khác như tìm cơ hội định cư, can thiệp cho những người bị cảnh sát Thái bắt giam, dạy tiếng Anh để chuẩn bị cho những ai có cơ hội định cư, hỗ trợ các nỗ lực giúp đồng bào về y tế và đời sống.

Mang vấn đề người tị nạn tôn giáo tới Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2022 chính là hành động thiết thực của BPSOS và đoàn Việt Nam trong chủ đề bảo vệ người tị nạn.

Các thành viên của phái đoàn được phân công vận động cho người tị nạn bao gồm: Cô H’biap Krong, Mục Sư A Ga, anh Y Phic H’dok, Mục Sư Vàng Chí Mình, Ông Hoàng Văn Pá và con trai là anh Hoàng Văn Phanh.

Cô H’biap Krong, đến trực tiếp từ Thái Lan, là một nhà hoạt động nhân quyền năng động của người Ê Đê. Cô đã có thời gian làm việc với Liên Hiệp Quốc về vấn đề người tị nạn. Tại hội nghị này, cô là người điều phối buổi trình bày về nội dung người tị nạn tôn giáo diễn ra ngày 29 tháng Sáu. Cô H’biap hiện đang hỗ trợ cho toán luật sư do BPSOS tài trợ ở Bangkok.

Mục sư A Ga và anh Y Phic H’dok là các tham dự viên sẽ lên tiếng về tình trạng của người Thượng tị nạn bị bách hại niềm tin tôn giáo.

Mục sư Vàng Chỉ Mình, ông Hoàng Văn Pá và anh Hoàng Văn Phanh là các tham dự viên sẽ trình bày các vấn đề của người H’mong tị nạn tôn giáo.

Ngoài ra, cựu đại sứ Hoa Kỳ Grover Joseph Rees, Cố Vấn Thâm Niên về các Đề Án Quốc Tế của BPSOS, sẽ điều phối buổi hội thảo về quốc tế vận cho người tị nạn. Đại Sứ Rees mới về lại Hoa Kỳ sau chuyến viếng thăm Thái Lan mới đây và sẽ trở lại Thái Lan vào trung tuần tháng 7 để yểm trợ cho toán luật sư đang hoạt động ở Bangkok. Trưởng toán luật sư này vừa đi Geneva để góp ý với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ về giải pháp cho người tị nạn ở Thái Lan.

Các hoạt động của đoàn Việt Nam ở hội nghị thượng đỉnh sẽ được trình chiếu trực tiếp tại: https://www.facebook.com/VNFoRB

Mời quý vị tiếp tục theo dõi và truyền bá các bản tin của chúng tôi về hội nghị được đăng tải trên các trang mạng:

https://machsongmedia.com/

https://www.vnforb.org/

https://www.facebook.com/Vietnamcivilrights

Viết một bình luận