Anh Y Phic H’dok và người cha tình nghi bị sát hại

Hải Di Nguyễn

 

Năm 2016, Y Phic H’dok đang ở Campuchia tổ chức Giáng sinh cho các em nhỏ khi nghe tin cha mất: “mẹ tìm thấy xác ba đang bị treo trên cây”.

Y Phic H’dok (thường dùng tên Jack) sinh năm 1993 và là người Êđê theo đạo Tin lành từ Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý cùng Y Quynh Buondap và Y Pher Hdruê. Anh sang Thái Lan tỵ nạn đầu năm 2017 và hiện đang sống tại Hoa Kỳ.

Ngày 4/5/2023, tôi nghe Y Phic H’dok kể câu chuyện của mình.

Các bài hát Êđê và lần đầu bị bắt

Anh Y Phic H’dok cho biết lần đầu bị công an bắt là năm 2012, khi một người chú nhờ tải về nhạc tiếng Êđê, “không biết sao chính quyền biết mà bắt người chú đó, họ hỏi nhạc tiếng mẹ đẻ của mình ở đâu ra”, rồi từ đó bắt anh.  

Theo lời anh, đây là những bài hát trên Youtube về tình yêu quê hương đất nước của người bản địa.

“Họ hỏi nhạc này có phải từ bên Mỹ gửi qua để tuyên truyền chống phá nhà nước không. Lúc đấy Jack đang học cấp ba, thời gian đó mình rất bỡ ngỡ vì chỉ nghe tiếng nhạc mẹ đẻ của mình thôi, mình nghĩ là không ảnh hưởng gì đến vấn đề chính trị hay vấn đề công an tìm kiếm. Cảm giác của mình là rất hoảng hốt, mình rất sợ.”

Anh nói công an chủ yếu hỏi về kết nối với hải ngoại: hỏi nhạc từ đâu ra, hỏi có liên hệ với FULRO (Front unifié de lutte des races opprimées, tức Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức) hoặc các tổ chức bên Mỹ không, hỏi có đi nhà thờ không, v.v…

“Sau lần [bị bắt] thứ hai, Jack không hát được quốc ca, bị đau họng, cô giáo cũng theo dõi và báo công an. Đến ngày họ mời lần thứ ba, công an hỏi tại sao Jack không hát quốc ca. Sau thời gian đó, Jack mới biết là cho dù mình đi học hay đi bất cứ đâu, họ cũng theo dõi hết.”

Thời gian ở Đà Lạt và Sài Gòn

Lo lắng vì chính quyền địa phương tra hỏi vài lần, tủi thân vì người xung quanh dường như nhìn bằng ánh mắt khác, năm 2013, sau cấp ba, Y Phic H’dok quyết định đi làm việc tại Đà Lạt.

Năm 2014, anh xuống Sài Gòn, vừa đi làm vừa ôn thi đại học.

Tuy nhiên, sau khi dự một khóa Thánh Kinh hè, anh muốn làm gì đó cho đồng bào người Êđê và muốn làm công việc Chúa nhiều hơn muốn đi học, nên sau khi thi đại học, quyết định chuyển sang học Kinh Thánh và học tiếng Anh. Anh tham gia Hội thánh tư gia của người Philippines – Bible Baptist Church, tức Hội thánh Baptist – giúp đỡ việc trong nhà thờ, học tiếng Anh và Kinh Thánh, và giúp đỡ các em nhỏ.

Sau một năm ở Sài Gòn, anh vẫn thấy chưa đủ: “mình muốn ngày nào đó mình quay về quê hương, để mình có thể chia sẻ tình yêu thương của Chúa cho đồng bào của mình, cho mấy đứa em nhỏ ở quê”.

Cảm thấy điều đó không khả thi, Y Phic H’dok kết nối với bạn bè ở Campuchia và năm 2016 sang Campuchia làm từ thiện.

Thời gian ở Campuchia

Y Phic o Campuchia

Tại Campuchia, Y Phic H’dok “dạy những em nhỏ mồ côi, và những người Việt đã sống ở đó lâu rồi và vô quốc tịch, không có giấy tờ tùy thân, Việt Nam không chấp nhận họ mà Campuchia cũng không chấp nhận họ.”

Anh dạy tiếng Việt, dạy tiếng Anh, dạy Kinh Thánh, và cũng tham gia vận động cho quyền lợi các trẻ em gốc Việt không có quốc tịch ở Campuchia. Cũng trong thời gian này, anh bắt đầu liên lạc và nối kết với các nhà hoạt động về nhân quyền ở Thái Lan, và trong năm 2016 tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin ở Đông Nam Á tại Thái Lan, được LHQ đồng tổ chức với Amnesty International (Ân xá Quốc tế) và BPSOS.

Gia đình bị sách nhiễu

Anh Y Phic H’dok nói “Jack nghĩ đây là cơ hội để mình vận động cho người vô quốc tịch sống ở Campuchia, và Jack cũng học hỏi được kiến thức để hiểu về quyền cơ bản của mình, về nhân quyền, và quyền tự do tôn giáo.”

Tuy nhiên, “tất cả mọi thông tin trong buổi hội nghị, chính quyền, công an đều biết hết”.

Sau khi Y Phic H’dok về lại Campuchia, gia đình anh ở Việt Nam bắt đầu bị sách nhiễu. Anh cho biết họ đến hỏi “con đang ở đâu” và lúc đầu đưa ra lý do là cần khám để đi nghĩa vụ quân sự, nhưng đến tra hỏi rất nhiều lần và càng ngày càng thô bạo và đầy hăm dọa. 

“Họ nói là, nếu con trai của chị không về, họ sẽ giết ai đó trong gia đình.”

Cũng trong khoảng thời gian này, Y Phic H’dok bắt đầu nhận tin nhắn qua Facebook từ một công an ở tỉnh Đắk Lắk tên Nguyễn Minh Đức: “Ông ấy nhắn tin hỏi em đang ở đâu, em đang làm việc gì, khi nào em về, có thể uống cà phê với anh… Đó là lời ngon ngọt của công an, nhưng Jack biết là ông này đang chờ đợi để bắt Jack.”

Bản thân tôi đã xem qua tin nhắn trao đổi giữa anh Y Phic H’dok và ông Nguyễn Minh Đức.

“Mẹ tìm thấy xác ba đang bị treo trên cây”

Tháng 12/2016, khi đang làm lễ mùa Giáng sinh cho trẻ em vô quốc tịch tại Campuchia, Y Phic H’dok nhận hung tin cha mình vừa mất.

Dần dần anh được biết, thông thường cha mẹ anh làm việc rồi ngủ lại trong rẫy, nhưng tối đó mẹ anh đi dự đám cưới và ở lại qua đêm.

“Khi mẹ lên lại trong vườn, có điều gì đó bất ổn, không thấy ba mà thấy điện thoại để lại trong chòi. Lúc đó mẹ bắt đầu nghi lắm rồi, bắt đầu hoảng hốt, lo lắng, đi tìm khắp vườn nhưng không thấy.”

Bà đi quanh tìm và khi đến thung lũng, nhìn thấy mũ của chồng dưới đất – khi đó bà mới ngước lên và thấy xác chồng treo trên cây, nhìn như người treo cổ.

“Ba là người hầu việc Chúa, là Cơ đốc nhân, mà Cơ đốc nhân không bao giờ tự tử. Tự tử là có tội.”

Anh cũng nói “Mẹ tin chắc là ba không bao giờ làm như vậy cả… Không thể nào mà một người đang sống yên lành, không có chuyện gì với gia đình, không có xích mích gì với con cái [mà lại tự tử]. Ba cũng là người sống rất hiền lành với người xung quanh, hòa đồng, vui vẻ.”

Anh nghe kể khi đó khoảng 20 người công an xuất hiện tại hiện trường.

Khám nghiệm pháp y

Anh Y Phic H’dok cho biết sau khi thi thể được đưa xuống, có bác sỹ pháp y tới khám nghiệm tử thi.

“Khi họ mổ xong, mẹ thấy tất cả các bộ phận bên trong cơ thể ba bị bầm dập hết. Sau đó họ cũng cắt một bộ phận bên trong họ đem đi, họ nói họ xét nghiệm, nhưng… kết quả cuối cùng họ chỉ nói là tự tử.”

Giấy khai tử của ông Y Ku Knul, cha anh Y Phic H’dok, viết “Nguyên nhân chết: Tự tử.” Tôi đã liên lạc với công an tỉnh Đắk Lắk để hỏi về lời cáo buộc của anh Y Phic H’dok nhưng không nhận được câu trả lời.

Tỵ nạn ở Thái Lan

Anh nói “Sau khi biết tin ba mất, Jack dự tính sẽ về Việt Nam để dự đám tang của ba. Nhưng lúc đấy người thân trong gia đình có gọi điện nói đừng về… Công an đang chờ đợi bắt Jack, lúc đó Jack mới quyết định sang Thái Lan.”

Cũng trong thời gian này, anh Y Phic H’dok nhìn thấy hình của công an Nguyễn Minh Đức bên cạnh một cảnh sát Campuchia. Biết mình không còn an toàn, anh rời Campuchia ngày 31/1 và đến Thái Lan ngày 1/1/2017. Anh nộp đơn lên LHQ xin tỵ nạn, và được quy chế chính thức năm 2018.

Tới Thái Lan, anh xin làm cho CAP (Centre for Asylum Protection, tổ chức giúp người tỵ nạn về mặt pháp lý) và phiên dịch tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Êđê và Gia Rai. Anh cũng tham dự khóa học về xã hội dân sự, học cách viết báo cáo và giúp những người gặp khó khăn ở Việt Nam.

“Trong thời gian đó, Jack bắt đầu đi vận động, muốn tìm lại công lý, công bằng cho ba mình. Jack đi dự hội nghị của ĐSQ Mỹ ở Thái Lan, chia sẻ lại câu chuyện của mình. Sau đó… Jack đi Đài Loan, chia sẻ lại câu chuyện của gia đình mình và của Jack. Lúc đó Jack cũng gặp Đại sứ lưu động [của Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế] Sam Brownback.”

Y Phic voi Sam Brownback

Năm 2019, anh Y Phic H’dok tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế ở Washington, D.C. để vận động cho người Thượng bị bức hại ở Việt Nam và người tỵ nạn ở Thái Lan.

Cũng sau chuyến đi này, anh nhận ra cần phải thành lập một tổ chức, và từ đó lập ra tổ chức Người Thượng vì Công lý (hay Montagnards Stand for Justice) cùng với Y Quynh Buondap và Y Pher Hdruê.

Trong bài viết trước, tôi đã nhắc đến tổ chức Người Thượng vì Công Lý – anh Y Quynh Buondap cho biết “Mong muốn của tổ chức là buộc chính quyền Việt Nam tuân thủ các cam kết quốc tế, và quyền người thiểu số bản địa phải được tôn trọng” và “giảm các biện pháp chuyên chế của chính quyền để các tín đồ có thể tiếp tục duy trì sinh hoạt niềm tin tôn giáo của mình, và giảm sự sách nhiễu đàn áp để tránh việc bắt bỏ tù oan, giảm số lượng người tỵ nạn và tình trạng vô quốc gia.”

Cuộc sống hiện nay

Năm 2019, anh Y Phic H’dok sang Hoa Kỳ.

Anh là đại diện bên Mỹ của tổ chức Người Thượng vì Công Lý, và tiếp tục vận động về vấn đề nhân quyền.

Viết một bình luận