Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Việt Nam: Án tử hình

Hải Di Nguyễn

Tháng 10/2023, để chuẩn bị cho phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) Việt Nam vào tháng 4/2024, một số tổ chức nhân quyền và XHDS đã gửi báo cáo cho LHQ về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. BPSOS đã nộp cho Hội đồng Nhân quyền LHQ bốn báo cáo chung với một số tổ chức tôn giáo và XHDS.

Một trong những báo cáo đó, do BPSOS soạn thảo và nộp cùng với các tổ chức Liên minh Chống Tra tấn Việt Nam, Người Thượng vì Công lý, Liên hiệp Môn đệ Cao Đài, Chiến dịch Bãi bỏ Tra tấn ở Việt Nam, và Liên minh Bài trừ Nạn Nô lệ Tân thời tại Á châu, bao hàm nhiều lĩnh vực, trong đó có án tử hình.

Tại phiên kiểm điểm năm 2019, Việt Nam nhận được khuyến nghị từ nhiều quốc gia khác nhưng từ chối tất cả trừ khuyến nghị của Bỉ và Thụy Điển: hạn chế án tử hình cho những tội “nghiêm trọng nhất” tính theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Báo cáo chung kể trên nhắc tới ba trường hợp mang án tử hình gây chú ý nhất ở Việt Nam và quốc tế: ông Lê Văn Mạnh, ông Nguyễn Văn Chưởng, và ông Hồ Duy Hải.

LHQ lên tiếng sau vụ xử tử ông Lê Văn Mạnh. 

VN Gia dinh Le Van Manh to cao 2

Tử tù Lê Văn Mạnh (nguồn: Báo Công an TP.HCM). 

Ông Lê Văn Mạnh bị xử tử ngày 22/9/2023, bất chấp phản đối và kêu gọi khoan hồng của dư luận, bất chấp sự lên tiếng của LHQ.

Sinh năm 1982, ông Lê Văn Mạnh bị kết án tử hình năm 2005 trong vụ án hiếp dâm và giết một nữ sinh. Các luật sư nói không có đủ bằng chứng kết tội, và trong 18 năm qua, ông và gia đình liên tục kêu oan.

Theo RFA Tiếng Việt đưa tin ngày 24/10/2023, trong lá thư cuối cùng trước khi bị xử tử, ông Lê Văn Mạnh vẫn khẳng định mình bị oan:

“Con không làm gì nên tội cả nên con không có gì phải hổ thẹn với lương tâm cả. Con chết rồi bố mẹ và các em, các con vẫn phải tiếp tục giúp con kêu nỗi oan này lên các cơ quan pháp luật của nhà nước cho đến khi nào con được minh oan thì thôi vì con bị giết oan thật sự bố mẹ ạ.”

Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ ông, nói với RFA:

“Gia đình tôi cũng thực hiện di nguyện của con, nếu con bị giết oan thì bố mẹ không đem xác con về, không (tổ chức) ma chay cúng bái gì hết. Khi nào đòi được công lý rồi thì bố mẹ mới đem về thờ cúng ma chay.”

Báo cáo cũng nhắc tới tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

Ông Nguyễn Văn Chưởng bị bắt năm 2007, bị cáo buộc giết thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, và bị kết án tử hình dù có nhân chứng nhìn thấy ông ở một nơi khác cách hiện trường 40km. 

Gia đình đã kêu oan nhiều năm nay nhưng trường hợp tử tù Nguyễn Văn Chưởng đặc biệt gây chú ý gần đây vì ngày 4/8/2023, gia đình ông nhận được thông báo “nhận tử thi, tro cốt” nhưng không có giấy báo thi hành án, theo RFA Tiếng Việt đưa tin cùng ngày.

Cũng theo RFA, gia đình được đến thăm ông Nguyễn Văn Chưởng ngày 14/8—sức khỏe ông tốt nhưng “tinh thần xuống thấp, nhiều lần khóc trong cuộc nói chuyện kéo dài một giờ đồng hồ qua điện thoại, ngăn cách bởi tấm kính ngăn.”

UN Nguyen Van Chuong

Phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền LHQ nhắc tới trường hợp ông Nguyễn Văn Chưởng. 

Trường hợp thứ ba được nhắc tới trong báo cáo chung là tử tù Hồ Duy Hải, bị kết án năm 2008 trong vụ bưu điện Cầu Voi. 

Trong bài viết trên BBC News Tiếng Việt ngày 21/8/2023, Luật sư Ngô Ngọc Trai nói “chứng cứ cho thấy Hải không phải là thủ phạm là việc dấu vân tay của Hải không trùng khớp với dấu vân tay thu được ở hiện trường, đúng ra thì Hải phải được xác định không liên quan và được loại bỏ như nhiều người tình nghi khác.”

Ông cũng nói bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải, “xót xa cho con trai bị mất tuổi xuân ở trong chốn lao tù, bà mong luật sư giúp cho Hải sớm được trả tự do để về nhà lấy vợ sinh con, được như thế rồi thì ông trời có bắt bà đi thì bà cũng chịu.”

Báo cáo đưa ra khuyến nghị:

  • Tạm đình chỉ thi hành án tử hình với ông Nguyễn Văn Chưởng và ông Hồ Duy Hải, rà soát kỹ lưỡng những sai sót và khuyết điểm trong quá trình điều tra cũng như những hành vi vi phạm pháp luật tố tụng hình sự.
  • Tuyên bố tạm dừng hoàn toàn hình phạt tử hình và điều tra mọi trường hợp có cáo buộc tra tấn và ép cung, làm theo đúng Công ước Chống Tra tấn mà Việt Nam là thành viên.

Đọc toàn bộ 4 báo cáo của BPSOS soạn chung với một số tổ chức để chuẩn bị cho phiên kiểm điểm UPR đối với Việt Nam sẽ diễn ra ngày 30/4/2024 tại đây: https://dvov.org/upr/

Viết một bình luận