Dân biểu Michelle Steel kêu gọi xếp Việt Nam là Quốc gia cần quan tâm đặc biệt

Trong tháng 1/2024, trước khi tham gia và tổ chức các hội luận song song với Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit), BPSOS và các cử tri gốc Việt cũng vận động tại Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ về vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam.

Ngày 6/3/2024 vừa qua, Dân biểu Michelle Steel đã công bố lá thư viết cho Ngoại trưởng Antony Blinken, kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách Những quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC), như Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) đã liên tục khuyến nghị trong vài năm qua.

Bà nói “Các tù nhân lương tâm tôn giáo ở Việt Nam phải đối mặt với các bản án tù dài hạn, bị biệt giam, bị xét xử bất công, và bị giam giữ tùy tiện bởi nhà nước công an độc đảng. Nhiều tù nhân tôn giáo trong số đó là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, người Thượng theo Thiên Chúa giáo, người Công giáo, hoặc thuộc các nhóm tôn giáo ôn hòa khác. Ngoài ra, các tù nhân lương tâm Việt Nam không được chăm sóc sức khỏe, bị cưỡng bức lao động, và bị nhà tù cấm thực hành tôn giáo, như cầu nguyện. Một số người chết vì vấn đề sức khỏe không xác định và qua đời khi đang thụ án chung thân.”

Bà nhắc tới việc “Đảng Cộng sản Việt Nam đã cam kết bảo vệ tự do tôn giáo và niềm tin cho tất cả mọi người và bảo vệ các nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số” tại chu kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) lần trước. Tuy nhiên “từ năm 2019, thành tích nhân quyền của Việt Nam đã xấu đi đáng kể. Trên thực tế, Việt Nam đã áp dụng mô hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc về chính sách tôn giáo, yêu cầu các cộng đồng tôn giáo phải đăng ký hội nhóm và nơi thờ cúng của họ với chính phủ như một điều kiện tiên quyết cho hoạt động tôn giáo.”

Dân biểu Michelle Steel nói “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam thả tất cả tù nhân chính trị, bảo đảm tôn trọng nhân quyền cho người Việt, và gây áp lực buộc Hà Nội từ bỏ mọi luật lệ hà khắc hạn chế quyền tự do tôn giáo”, và cũng kêu gọi Ngoại trưởng Blinken lần nữa xếp Việt Nam là Quốc gia cần quan tâm đặc biệt.

Nguyên văn lá thư có thể đọc tại đây. 

Viết một bình luận