Cập nhật về chương trình Welcome Corps tại buổi họp với CUTN/LHQ ở Geneva

  • Các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia bảo trợ người tị nạn

Mạch Sống, ngày 7 tháng 6, 2024

http://machsongmedia.com

Geneva, Thuỵ Sĩ — Tại buổi họp cuối ngày hôm nay, phái đoàn Hoa Kỳ trình bày diễn tiến của chương trình Welcome Corps. Cô Claire Putzeys thay mặt cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết là đã có hơn 80 nghìn người ghi danh với ý định làm người bảo trợ. Số người này có tiềm năng bảo trợ cho 43 nghìn người tị nạn.

Tại buổi họp tư vấn với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ, phái đoàn Hoa Kỳ cũng thông báo việc nới rộng chương trình Welcome Corps để cho phép các doanh nghiệp tham gia.

“Tôi hoan hỉ đón nhận phần mới thêm vào này vì nó vừa đáp ứng tình trạng thiếu nguồn lực lao động ở Hoa Kỳ vừa giúp người tị nạn đến được tự do,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiểm Chủ Tịch BPSOS, chia sẻ. “BPSOS đã vận động cho điều này từ trước khi Chương Trình Welcome Corps được công bố cách đây 18 tháng.”

Hình 1 – Phần trình bày của phải đoàn Hoa Kỳ tại Geneva, ngày 06/06/2024 (ảnh BPSOS)

Phần mới này được mệnh danh là “Welcome Corps at Work”. Xem: https://welcomecorps.org/about/welcome-corps-at-work/

Theo Ts. Thắng, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đồng ý với đề nghị này cả năm trước nhưng đến giờ mới chính thức công bố. Có lẽ trở ngại lớn là mối quan tâm về rủi ro người tị nạn bị bóc lột sức lao động.

“Dựa trên kinh nghiệm 25 năm phòng, chống buôn người, BPSOS đã nhắc nhở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về rủi ro này và khuyến cáo họ cần cân nhắc,” Ts. Thắng giải thích.

Công thức để thực hiện là doanh nghiệp cung cấp việc làm phải phối hợp với nhóm 5 người báo trợ. Nhóm 5 người bảo trợ này sẽ giúp cho người tị nạn không bị thiệt thòi về quyền của người lao động.

Tại buổi họp nhóm nhỏ vào ngày hôm trước, đại diện cho các chương trình bảo trợ tư nhân ở nhiều quốc gia đã chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Ngoài Canada, Úc, và Hoa Kỳ chính thức có chương trình bảo trợ tư nhân, nhiều quốc gia đang thử nghiệm nó như Đức, Tây Ban Nha, Ireland, Ý, New Zealand, v.v.

Pic_2_-_06-06-2024.jpg

Hình 2 – Buổi họp nhóm nhỏ về các chương trình bảo trợ tư nhân ở nhiều quốc gia (ảnh UNHCR)

“Trở ngại lớn nhất của chương trình bảo trợ tư nhân ở Hoa Kỳ là nền tảng kỹ thuật để hỗ trợ thủ tục làm đơn còn nhiều lủng củng,” Ts. Thắng nhận xét. “Hậu quả là số hồ sơ bảo trợ đã hoàn tất thủ tục còn rất ít và số người tị nạn được vào Hoa Kỳ thông qua chương trình Welcome Corps sẽ không là bao nhiêu trong năm nay.”

Tính đến nay, đã có 57 nhóm nhận được sự hướng dẫn của BPSOS về thủ tục làm đơn bảo trợ. Trong đó khoảng 15 nhóm đã hoàn tất thủ tục. Trong số này, hồ sơ của một người mẹ Hmong đơn thân với con nhỏ đã được thông báo lịch hẹn cho tiến trình phỏng vấn định cư với Sở Di Trú Hoa Kỳ.

“Đây là trường hợp hi hữu, đáng thương tâm đặc biệt, lại có chị em ruột ở Hoa Kỳ đứng ra bảo trợ,” Ts. Thắng cho biết. “Có lẽ vì thế mà được cứu xét ưu tiên.”

Danh sách hồ sơ của toán luật sư do BPSOS tài trợ ở Thái Lan tính từ 2015 đến giờ có 232 hồ sơ được công nhận quy chế tị nạn. Trong số này, 11% đã lên đường định cư, 13% đang trong tiến trình được cứu xét tại định cư, 24% đã có người bảo lãnh theo Welcome Corps, và 29% gồm 67 hồ sơ chưa có triển vọng định cư nào cả. Ngoài ra, có 23% mất liên lạc.

“Những ai trong số chưa triển vọng định cư mà có thân nhân, bạn bè ở Hoa Kỳ thì hãy vận động họ lập nhóm bảo trợ,” Ts. Thắng kêu gọi. “Đồng thời, chúng tôi kêu gọi các đồng hương có lòng, kể cả các doanh nghiệp có thể cung cấp công ăn việc làm, mỗi người một tay giúp cho số đồng bào không người thân ở Hoa Kỳ cơ hội đến tự do.”

Những ai cần sự hướng dẫn có thể liên lạc với Ts. Phan Quang Trọng ở Hoa Kỳ:  This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it., hoặc gọi cho văn phòng CAP ở Thái Lan: +66-(0)2 116 0405.

Ngoài ra, còn 243 hồ sơ của đồng bào chưa có quy chế tị nạn đang được can thiệp bởi các luật sư do BPSOS tài trợ nhờ vào sự yểm trợ tài chánh của các nhà hảo tâm ở hải ngoại.

Số 475 hồ sơ kể trên chỉ tình từ năm 2015. Từ năm 2008 đến năm 2014, BPSOS đã giúp khoảng 800 đồng bào được quy chế tị nạn và phần lớn đã tại định cư ở một quốc gia thứ ba.

Bài liên quan:

Cập nhật diễn tiến chương trình bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ: Các cơ sở kinh doanh có thể bảo lãnh người tị nạn
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1937-cap-nhat-dien-tien-chuong-trinh-bao-lanh-tu-nhan-cua-hoa-kycac-co-so-kinh-doanh-co-the-bao-lanh-nguoi-ti-nan  

Viết một bình luận