Bản MOU về tái định cư cựu thuyền nhân áp dụng cho những ai?

  • Cuộc đổi giọng đồng loạt của những tổ chức và cá nhân trách nhiệm

Ts. Nguyển Đình Thắng

Ngày 18 tháng 6, 2024

http://machsongmedia.com

Biên Bản Ghi Nhớ (Memorandum of Understanding, MOU) mà Bộ Di Trú Canada ký với Liên Hội Người Việt Canada ngày 19 tháng 12, 2012 chỉ áp dụng cho những cựu thuyền nhân và bộ nhân đã đến Thái Lan từ Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1984 đến 1991 và đang sống trong tình trạng “không quy chế” ở Thái Lan từ sau đó. Xem toàn văn MOU tại đây: Appendix A – MOU between CIC and VCF.

Bản MOU áp dụng cho ai và không cho ai?

Bản MOU không nói cụ thể là những ai đã hồi hương, dù tình nguyện hay cưỡng bức, thì không hợp lệ mà xem đó là hiển nhiên. Chính sách của Bộ Di Trú Canada, thể hiện qua MOU, mặc định như vậy vì khi nộp danh sách tổng cộng khoảng 110 người, Ts. Lê Duy Cấn, đại diện cho Liên Hội Người Việt Canada, khẳng định với Bộ Di Trú Canada rằng tất cả đều đã lưu lạc ở Thái Lan “trên 20 năm qua.”

Ts. Nguyễn Đình Thắng và Ts. Lê Duy Cấn ở Thái Lan, tháng 6, 2011

“Bên hội người Việt Canada mới ký giấy tờ [với] chính phủ Canada cho những người đã ở Thái Lan trước năm 1992… [họ] ở Thái Lan trên 20 năm.Ts. Lê Duy Cấn trả lời phỏng vấn với BPSOS ngày 18 tháng 2, 2013: https://bpsosrcs.wordpress.com/2013/02/18/chuong-trinh-bao-lanh-tu-nhan-dinh-cu-tai-canada-2/

“Chúng tôi đã có thể thu thập danh sách khoảng 110 người tị nạn đã bị kẹt ở Thái Lan trên 20 năm qua.” Ts. Lê Duy Cấn điều trần trước Thượng Viện Canada ngày 20 tháng 11, 2014: https://sencanada.ca/en/Content/Sen/committee/412/ridr/51755-e

Không riêng Liên Hội Người Việt Canada mà mọi thành phần trách nhiệm thực thi bản MOU đều hiểu rõ điểm này.

“Hiện tại có 105 thuyền nhân Việt Nam đã và đang bị kẹt tại Thái Lan từ năm 1989, 1990. Họ đã bị rớt thanh lọc và sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo, không có bất kỳ một giấy tờ chứng minh nào (stateless) từ đó đến nay đã hơn 23 năm.” Thư Ngỏ của VOICE do Giám Đốc Điều Hành Trịnh Hội ký ngày 1 tháng 2, 2013: Appendix B – Sources of quotes (trang 3)

Pic2_-_06-18-2024.jpg

“Trong con số người Việt tị nạn còn kẹt lại bên đó có 105 người thuyền nhân Việt Nam bị kẹt từ năm 1989, 90. Đó là họ bị kẹt 23 năm… Nếu mà nói theo tiếng Anh đó thì nó gọi là stateless persons là những người vô quốc gia, những người sống mà không có giấy tờ gì hết. Đó là về cái phương diện pháp lý là bởi vì nước Thái Lan thì không công nhận họ, không về Việt Nam được ngoại trừ khi Việt Nam nhận họ về và họ muốn về và những người này là tị nạn thì họ đâu muốn về Việt Nam, và dĩ nhiên những nước thứ 3 như nước Mỹ, nước Canada không nhận họ. So, tình trạng tương lai của họ, thưa quý vị, là vô hạn định, không có biết là tương lai của mình sẽ ra sao.” Trịnh Hội phỏng vấn với VBS Canada ngày 28 tháng 7, 2013:

(1:56 – 3:35)

“Hiện giờ chúng ta còn 105 người bao gồm 33 gia đình thuyền nhân còn kẹt lại tại Thái Lan. Trở lại cái câu chuyện ngày xửa ngày xưa một chút bởi vì những người này đã kẹt 23 năm rồi, thưa Quý Vị, là họ đã đi thuyền, vượt biên sang Thái Lan từ năm 89, 90 và bị kẹt tới bây giờ. Cuộc sống của họ, tiếng Anh gọi là stateless, nghĩa là những người vô quốc gia – họ không có giấy tờ gì hết, không có quyền lợi gì hết ở bên Thái Lan.” Trịnh Hội phỏng vấn với SBTN Canada ngày 2 tháng 8, 2013:

(2:05 – 2:54)

Đây là những quý anh chị đã đến, vượt biên đến Thái Lan từ những năm 89, 90, rớt thanh lọc, chống cưỡng bức hồi hương, phải trốn lại sống một cuộc sống bất hợp pháp hơn 25 năm nay. Chúng ta đã bảo trợ được 85 người. Ngày 23 tháng 9 này, chúng ta sẽ có thêm được 19 người đến nữa.” Đỗ Kỳ Anh, Chủ Tịch VOICE Canada, phỏng vấn với SBTN Canada ngày 10 tháng 8, 2016: https://rumble.com/v4vbsaf-voice-canada-t-chc-m-d-tic-thuyn-nhn-v-gic-m-t-do-10-8-16 (1:00 – 1:20)

Pic3_-_06-18-2024.jpg

“Từ năm 2014 đến giờ đó thì VOICE [Canada] đã được chính thức thành lập để bảo trợ những người tị nạn từ Thái Lan. Đây là những cái người thuyền nhân đến từ những cái năm 89, 90  nhưng đã rớt thanh lọc, bị cưỡng bức hồi hương, người ta trốn ở lại và người ta đã sống bất hợp pháp ở Thái Lan trong vòng hai mươi mấy năm… Thì tính từ tháng 11 năm 2014 thì mình đã có khoảng 5 đợt sang Canada; chúng ta đã có 85 người.” Đỗ Kỳ Anh phỏng vấn với SBTN Canada ngày 22 tháng 8, 2016:

https://www.youtube.com/watch?v=07_Sg6M_XTE

(1:10 – 1:54)

“Chính thức thì VOICE Canada được thành lập từ tháng 10 năm 2014… để chuẩn bị đón tiếp 105 người Việt tị nạn ở Thái Lan. Đây là những cái người đã đến Thái Lan từ những năm 89, 90, rớt thanh lọc, bị cưỡng bức hồi hương và người ta đã trốn ở lại và người ta đã sống bất hợp pháp ở Thái Lan trên 25 năm.” Đỗ Kỳ Anh phỏng vấn VieTV ngày 14 tháng 9, 2016:

(5:05 – 6:21)

Pic4_-_06-18-2024.jpg

Đây là câu chuyện đang giúp những người Việt tị nạn đã kẹt từ 30 năm không có nhà cửa, vô tổ quốc. Trịnh Hội tại buổi họp báo do VOICE và VOICE Canada tổ chức ở Orange County, California ngày 28 tháng 7, 2018:

(1:56:02 – 1:56:06)

Trên đây chỉ là một ít ví dụ đủ để cho thấy là các tổ chức và cá nhân trách nhiệm thực thi MOU đều biết và hiểu rõ rằng MOU chỉ áp dụng cho những cựu thuyền nhân và bộ nhân đã từ Việt Nam đến Thái Lan trong khoảng từ 1984 đến 1991 và kẹt suốt ở đó cho đến ngày được chính phủ Canada cứu xét hồ sơ.

Đồng loạt đổi giọng

Chỉ hơn 1 tháng sau cuộc họp báo ở Orange County, họ đồng loạt đổi giọng và nói ngược lại hoàn toàn, mà khởi điểm là buổi họp báo ngày 1 tháng 9, 2018, ở Mississauga, Canada: https://youtu.be/V33slP_CmWw?t=17

Ông Đỗ Kỳ Anh: “Ngay sau khi bản này [MOU] ra thì em có hỏi liền. Sau đó, em có liên lạc với anh Cấn, em có liên lạc với Trịnh Hội… Thành ra cái lời nói những người đó bị cưỡng bức hồi hương thì không được định cư trong chương trình này đó, đó là những cái lời hoàn toàn vô căn cứ.” (4:45 – 5:06)

Ông Trịnh Hội:Còn việc mà Cao Lê Vũ mà có công ty ở Việt Nam — Vũ ơi… Thật sự, nếu em có công ty ở Việt Nam thì cũng OK. Anh là luật sư, anh nói là em có 10 công ty cũng OK. Nó vẫn hội đủ điều kiện… Có hội đủ điều kiện không? Yes.” (34:10 – 35:50)

Ts. Lê Duy Cấn: “Tôi xin xác nhận những lời mà anh Kỳ-Anh nói là cái bản MOU mà chúng tôi đại diện cho Liên Hội Người Việt Canada ký thì hoàn toàn không có nói gì đến cái vấn đề cưỡng bách hồi hương.” (6:29 – 6:42)

Lời nói này đúng một nửa, nhưng nửa sự thật không còn là sự thật. Đúng là vì MOU không nói đến cưỡng bức hồi hương. Không đúng là vì MOU không hề nói rằng dù bị cưỡng bức hồi hương thì vẫn hợp lệ như người nghe bị dẫn dụ hiểu lầm. Sự thật là khi nộp danh sách cho Bộ Di Trú Canada, Ts. Lê Duy Cấn đã khẳng định rằng những người trong đó không hề hồi hương dù tình nguyện hay bị cưỡng bức. MOU đã mặc định như vậy. Nay lại diễn giải khác đi.

Nếu ai theo dõi thì sẽ thấy buổi họp báo do VOICE và VOICE Canada tổ chức ở Mississauga kể trên là khởi điểm đổi giọng đồng loạt trên mọi diễn đàn.

Nam Lộc: “Thì dựa vào cái tiêu chuẩn họ là thuyền nhân từ năm 89, năm 90, trong số đó có nhiều người đã bị trục xuất về Việt Nam sau đó họ lại trốn qua lại bên này. Khi mà chúng tôi dùng cái chữ ‘lưu lạc’ thì anh biết là lưu lạc khắp nơi. Lưu lạc ở vùng kinh tế mới, lưu lạc qua bên Cambốt, lưu lạc qua bên Thái Lan. Có nhiều người ở trong số đó đã bị trục xuất năm 89, 90, 91, 92 đó, cũng có người không [bị] trục xuất và trốn lại bên Thái.” Phỏng vấn với Phố Bolsa TV ngày 7 tháng 10, 2018:

(9:06 – 9:45)

Nam Lộc: “Khi mà gặp bà Lê Thị Ba ở trong tù và người ta đưa thẳng bà ra phi trường để đến Canada, thì trong cái cuộc phỏng vấn đó thì bà có kể cho tôi nghe là bà đi sang Thái Lan từ năm 89 cho đến năm 92 thì bà bị đưa về trại Sikiew và sau khi bà bi thanh lọc thì năm 96 họ đã trục xuất bà về Việt Nam. Khi bà về Việt Nam thì bà cho biết là không có nhà có cửa. Họ đã đưa bà về vùng kinh tế mới và ở đó bà sống lưu lạc nơi này nơi nọ, kiếm sống bằng đủ mọi cách. Nhưng mà bà nói, ‘tôi quyết tâm, lúc nào tôi cũng quyết tâm để dành tiền. Tôi đi bán buôn, buôn thúng bán rong để dành tiền để tôi quyết định đi trở qua Thái Lan.’ Thì đúng rồi, bà sống lưu lạc khắp nước Việt Nam cho đến khi bả qua Thái Lan… Thưa anh, thì điều đó đâu có gì sai?Phỏng vấn với Nửa Vòng Trái Đất, ngày 13 tháng 8, 2018:

(51:38 – 52:51)

Pic5_-_06-18-2024.jpg

Ông Nam Lộc tiếp xúc các cựu thuyền nhân tiếp tục lưu lạc ở Thái Lan, ngày 5 tháng 5, 2023 (ảnh Sean Le TV)

Họ đổi giọng để bao biện cho những hồ sơ không hợp lệ đã được tái định cư theo MOU.  Thậm chí, đối với những người chỉ sang Thái Lan vài tháng hoặc vài tuần trước khi đi Canada, thì họ lập luận rằng những người này đã lưu lạc 25 – 30 năm… ở trong nước Việt Nam. Và với những người là công dân Campuchia thì họ giải thích rằng họ lưu lạc 25 – 30 năm ở Campuchia. Theo điều tra của BPSOS, khoảng 40% đến 60% trong tổng số 108 người được tái định cư là bất hợp lệ.

Bài viết này ghi lại những lời phát biểu trước và sau của những thành phần mang trách nhiệm thực thi MOU. Ai ai cũng có thể tự mình phối kiểm và đối chiếu để tự mình nhìn ra sự đổi gióng, trước xuôi sau ngược, của họ. Để làm gì?

Để vì lương tri mà khuếch tán lời kêu gào công lý của những đồng bào mà, vì sự lật lọng của thành phần trách nhiệm, đang tiếp tục lưu lạc vô hạn định ở Thái Lan.

Bài liên quan:

Chương trình tái định cư “cựu thuyền nhân” vào Canada: 40% đến 60% sai phạm hoặc gian lận
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2166-chuong-trinh-tai-dinh-cu-cuu-thuyen-nhan-vao-canada-40-den-60-sai-pham-hoac-gian-lan

Viết một bình luận