Góp ý với LHQ nhằm cải thiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

  • Cuộc thăm dò ý kiến cho một kế sách dài hạn

Mạch Sống, ngày 18 tháng 6, 2024

Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin, Giáo Sư Nazila Ghanea, kêu gọi các thành phần quan tâm đến thực trạng đàn áp tôn giáo đang diễn ra ở Việt Nam góp ý về các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn. Mọi người quan tâm đến tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam đều có thể góp ý bằng cách trả lời 3 câu hỏi sau:

  1. Quý vị xét thấy đâu là sự tiến bộ ngắn hạn có thể đạt được trong 1 đến 2 năm tới mà quý vị kỳ vọng cho tự do tôn giáo hay niềm tin ở Việt Nam?
  2. Quý vị xét thấy đâu là sự tiến bộ có thể đạt được liên quan đến tự do tôn giáo hay niềm tin ở Việt Nam trong 3 đến 5 năm tới?
  3. Quý vị quan niệm thế nào về tiến bộ về tự do tôn giáo hay niềm tin ở Việt Nam mà đòi hỏi một mục tiêu dài hạn từ 6 năm trở lên?

Mọi đóng góp xin gửi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. trước ngày 28 tháng 6. Các đóng góp sẽ được tổng hợp để hướng dẫn việc làm chính sách. Danh tính và nguồn cung cấp thông tin sẽ được bảo mật.

Đây là kết quả của loạt hội luận do BPSOS tổ chức, với sự tham gia của Bà Nazila Ghanea, nhân Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm Các Nạn Nhân của Các Hành Vi Bạo Lực trên Cơ Sở Tôn Giáo hay Niềm Tin, ngày 22 tháng 8, 2023.

Hình 1 – Buổi hội luận do BPSOS tổ chức với sự tham gia của Bà Nazila Ghanea, ngày 20 tháng 8, 2023

Bối cảnh

Trước khi Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam ngày 10 tháng 9 năm ngoái, BPSOS đẩy mạnh cuộc vận động cho một đại sách lược nhằm thay đổi tận gốc tình trạng khống chế và đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Khống chế nghĩa là các tín đồ muốn hành đạo bắt buộc phải tham gia tổ chức được nhà nước công nhận và do đó bị nhà nước kiểm soát. Những ai không tùng phục thì bị đàn áp dưới nhiều hình thức, từ ép bọ đạo, cấm tụ tập hành đạo cho đến đấu tố, đánh đập, tù đày.

Đối tượng vận động của BPSOS gồm có: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF), Liên Minh Quốc Tế cho Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin (International Religious Freedom and Belief Alliance, IRFBA), một số định chế nhân quyền LHQ hữu trách, và một số tổ chức quốc tế thân hữu đã từng là đối tác của BPSOS trong nhiều năm.

Đại sách lược

Cuộc vận động này là một phần của đại sách lược mà BPSOS theo đuổi từ năm 2015, nhằm tác động đến 3 yếu tố ảnh hưởng thực trạng: Chủ lực, trợ lực và đối lực.

Chủ lực là chính các nhóm, các cộng đồng tôn giáo đang bị bách hại. Họ cần được tăng năng lực để tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình theo luật quốc gia và luật quốc tế.

Trợ lực là sự quan tâm của quốc tế cần được chiếu rọi trực tiếp đến từng cộng đồng bị bách hại và có hành động cụ thể nhằm bảo vệ các cộng đồng này và trừng phạt các thủ phạm vi phạm quyền tự do tôn giáo của họ.

Đối lực là chính sách kiểm soát tôn giáo và bách hại những ai không tuân phục, đặc biệt là các định chế quyền lực thực hiện chính sách và những kẻ đứng đầu các định chế ấy. Đối lực cần được thuyết phục thay đổi nhằm đổi lấy sự trợ giúp của quốc tế hoặc bị áp lực phải thay đổi vì các biện pháp chế tài nhắm thẳng vào các cá nhân đầu não.

Pic_2_-_06-18-2024.jpg

Hình 2 – Buổi họp của Liên Minh IRFBA ngày 13 & 14 tháng 3, 2024 tại Vevey, Thuỵ Sĩ (ảnh IRFBA)

Các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn của đại sách lược

Đầu năm 2024, BPSOS đề ra 7 mục tiêu ngắn hạn cho năm 2024-2015 để quốc tế đánh giá thực tâm của nhà nước Việt Nam về tôn trọng tự do tôn giáo:

  1. Cấp căn cước công dân cho khoảng 100,000 người Hmong, phần lớn theo đạo Tin Lành, sống trong cảnh vô quốc gia ở Tây Nguyên Trung Phần
  2. Ngưng toàn bộ hành vi ép các người Thượng theo đạo Tin Lành bỏ hội thánh tư gia độc lập để tham gia Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam do nhà nước kiểm soát và điều khiển
  3. Ngưng cuộc đàn áp các phật tử Khmer Krom không tuân phục Giáo Hội Phất Giáo Việt Nam do nhà nước tạo tác năm 1981
  4. Ngưng mọi hành vi đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào các cộng đồng người Việt ở hải ngoại và những người xin tị nạn ở Thái Lan, như tổ chức Người Thượng Vì Công Lý, Liên Minh Hmong cho Nhân Quyền…
  5. Trả lại các thánh thất Cao Đài và Toà Thánh Tây Ninh để các tín đồ Cao Đài đánh dấu 100 năm khai đạo vào đầu tháng 12 năm 2025
  6. Huỷ các lệnh cấm xuất cảnh đối với các tu sĩ và nhà hoạt động tôn giáo
  7. Trả tự do cho các tù nhân lương tâm tôn giáo

Các mục tiêu trung hạn bao gồm:

  1. Các nhóm tôn giáo độc lập ở trong nước được quốc tế thừa nhận và đối tác trực tiếp.
  2. Đại diện của các nhóm tôn giáo độc lập được tự do xuất cảnh để tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực.
  3. Các nhóm tôn giáo độc lập không bị sách nhiễu bởi chính quyền hoặc các tổ chức tôn giáo và nguỵ tôn giáo do nhà nước kiểm soát và điều khiển.
  4. Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo và các luật của Việt Nam được tu chính để thích ứng đầy đủ với các cam kết quốc tế về tự do tôn giáo.
  5. Việt Nam mời các báo cáo viên đặc biệt của LHQ đến thị sát tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Các mục tiêu dài hạn bao gồm:

  1. Các giáo hội và hội thánh trước đây bị xoá sổ nay được phục hoạt và chính thức công nhận bởi nhà nước.
  2. Họ được hoàn trả các cơ sở tôn giáo, phước thiện, giáo dục, y tế… đã bị nhà nước tịch thu hoặc chuyển giao cho những tổ chức do nhà nước kiểm soát và điều khiển.
  3. Các nhóm tôn giáo độc lập được tự do sinh hoạt mà không phải tham gia bất kỳ tổ chức tôn giáo nào theo sự chỉ định của nhà nước.
  4. Các tổ chức tôn giáo hay nguỵ tôn giáo đang bị nhà nước kiểm soát và điều khiển được tự do hoạt động nhằm xiển dương tôn giáo thay vì làm công cụ khống chế tôn giáo và đánh lừa dư luận quốc tế.

Pic_3_-_06-18-2024.jpg

Hình 2 – Buổi điều trần do USCIRF triệu tập ngày 7 tháng 9, 2023 (từ video của USCIRF)

Các thành quả ban đầu

Trong 10 tháng qua, nỗ lực vận động này đã đạt những thành quả sau:

  1. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiếp tục giữ Việt Nam trong Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt (Special Watch List, SWL).
  2. Đầu tháng 5, Uỷ Hội USCIRF công bố bản phúc trình tình trạng tôn giáo ở Việt Nam năm 2023, đề nghị Bộ Ngoại Giao đưa Việt Nam vào danh sách Quốc Gia Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern, CPC) và nêu đích danh 4 trong số 6 tổ chức tôn giáo và nguỵ tôn giáo bị nhà nước kiểm soát và điều khiển mà BPSOS kêu gọi đặt vào tầm ngắm.
  3. Cuối tháng 5, Uỷ Hội USCIRF đã hoàn tất cuộc nghiên cứu về 6 tổ chức tôn giáo và nguỵ tôn giáo bị nhà nước điều khiển và dùng làm công cụ để khống chế và đàn áp tôn giáo: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo, Chi Phái Cao Đài 1997, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Bắc, và Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo. Kết quả nghiên cứu sẽ được dùng làm khuyến nghị cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
  4. Nhiều quốc gia thành viên của Liên Minh IRFBA đã lên tiếng tại buổi Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát đối với Việt Nam ngày 7 tháng 5 vừa qua về tình trạng đàn áp tôn giáo.
  5. Một số báo cáo viên đặc biệt của LHQ cùng ký tên công văn chung bao hàm nhiều lĩnh vực khống chế và đàn áp tôn giáo để gửi cho nhà nước Việt Nam trong nay mai.
  6. Cuộc thăm dò ý kiến của Báo Cáo Viên Đặc Biệt về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin kể trên.

Các bước kế tiếp

Sau ngày 28 tháng 6, là thời hạn để góp ý, BPSOS sẽ tạo cơ hội để các cộng đồng tôn giáo bị bách hại ở Việt Nam tiếp xúc với văn phòng của Bà Nazila Ghanea và tiếp cận quốc tế thông qua hàng loạt sự kiện sẽ diễn ra ở Nhật, ở Đức, ở Đông Nam Á, ở Geneva, và ở thủ đô Hoa Kỳ và thông qua phương tiện trực tuyến.

Sự lên tiếng của các chứng nhân sẽ củng cố thêm cho các ý kiến đóng góp và cung cấp thông tin cập nhật sau thời hạn góp ý.

Thông tin liên quan:

Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin: Cần một báo cáo tổng hợp về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam

https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/1993-bao-cao-vien-dac-biet-lhq-ve-tu-do-ton-giao-hay-niem-tin-can-mot-bao-cao-tong-hop-ve-tinh-trang-dan-ap-ton-giao-o-viet-nam

Nhà nước Việt Nam: “Chúng ta đã có một Phiên đối thoại UPR rất thành công”

https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/2153-nha-nuoc-viet-nam-chung-ta-da-co-mot-phien-doi-thoai-upr-rat-thanh-cong?highlight=WyJ1cHIiXQ==

Nội dung chi tiết của 7 tiêu chí ngắn hạn: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/06/FORB-benchmarks-to-assess-Vietnam-2024.pdf

“Chiếu tướng” các tổ chức tôn giáo bị nhà nước kiểm soát ở Việt Nam

https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/2067-chieu-tuong-cac-to-chuc-ton-giao-bi-nha-nuoc-kiem-soat-o-viet-nam

Bộ Công An manh động, thêm đề tài cho Kiểm Định UPR đối với Việt Nam sắp đến

https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/2140-bo-cong-an-manh-dong-them-de-tai-cho-kiem-dinh-upr-doi-voi-viet-nam-sap-den

Viết một bình luận