Tại sao người trong nước cần tố giác GHPGVN theo luật Việt Nam?

  • Tương tự với các tổ chức tôn giáo và nguỵ tôn giáo bị nhà nước điều khiển

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 22 tháng 6, 2024

http://machsongmedia.com

Trong bài trước, tôi viết về hướng dẫn của “Đề Án Dân Quyền Việt Nam” để người dân trong nước yêu cầu Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội điều tra và khởi tố Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Ông Thích Đức Thiện, Phó Chủ Tịch, Tổng Thư Ký Hội Đồng Trị Sự của tổ chức này vì vi phạm Điều 5 (các hành vi bị nghiêm cấm) và Điều 6 (quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người) của Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo, Điều 34 (quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín) của Bộ Luật Dân Sự, và Điều 155 (tội làm nhục người khác) và Điều 331 (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân) của Bộ Luật Hình Sự.

Chủ trương của “Đề Án Dân Quyền Việt Nam” là khuyến khích mọi thành phần trong xã hội, kể cả người dân lẫn các đơn vị nhà nước, tuân thủ luật pháp quốc gia. Có người cho rằng làm như thế chỉ mất công vô ích mà có khi còn rước hoạ vào thân vì nhà nước Việt Nam dùng luật rừng.

Cách nhìn này chưa thấu đáo. Có 3 lợi ích của việc sử dụng luật pháp hiện hành, dù nó có nhiều bất cập và dù chính quyền không thực tâm tuân thủ. Và, viết đơn tố giác ít rủi ro hơn là bình luận và phê phán trên mạng xã hội.

Hình 1 – Từ trang: https://soha.vn/thuong-toa-thich-duc-thien-noi-gi-ve-viec-bo-hanh-tu-nam-ra-bac-cua-su-thich-minh-tue-19824051617385962.htm

Mở đường cho quốc tế vận

Theo nguyên tắc, quốc tế tránh không can thiệp tắt. Một hồ sơ vi phạm nhân quyền, chỉ khi nào đã cùng đường sau khi tận dụng luật pháp quốc gia, thì mới có cơ sở để quốc tế can thiệp dựa trên các công ước quốc tế về nhân quyền mà không bị xem là can dự vào nội tình một quốc gia có chủ quyền.

Vì không hiểu nguyên tắc này, một số người chỉ lăm lăm chọn đường tắt để rồi kết luận là quốc tế chẳng làm gì hoặc chẳng làm được gì. Họ không hiểu là chính mình đã không tạo cơ sở cần thiết cho quốc tế can thiệp.

Làm phép thử với hệ thống luật pháp hiện hành

Khi tận dụng luật pháp quốc gia, lợi ích thứ hai là qua đó sẽ lòi ra các điểm bất cập, bao gồm cả sự bất cập của luật quốc gia với các điều ước quốc tế và sự bất cập về thực thi pháp luật của các đơn vị nhà nước. Nếu một hồ sơ thực hiện đầy đử quy trình pháp lý nhưng không được giải quyết đúng luật thì đó là chứng cứ của sự bất cập.

Khi có khá nhiều hồ sơ làm phép thử thì đó sẽ là căn cứ nói có sách mách có chứng để vận động quốc tế đặt điều kiện với nhà nước phải cải tổ hệ thống luật pháp, phải nội luật hoá đầy đủ các điều ước quốc tế, và phải thực tâm áp dụng thể chế pháp trị thay vì chỉ hứa suông.

Tăng năng lực của chính người dân

Đây là yếu tố quan trọng nhất. Khi mày mò tận dụng luật pháp hiện hành, người dân không những tăng kiến thức, bản lĩnh và năng lực ứng xử, đối phó tình huống. Khi người dân biết chủ động tận dụng những gì đang có nhằm từng bước thay đổi tình cảnh của mình và hoàn cảnh xã hội quanh mình thì đó là khởi điểm cho ý thức dân chủ.

Tăng năng lực của chính mình, kết hợp với trợ lực là sự quan tâm và can thiệp của quốc tế, chính họ đóng vai trò chủ lực thúc ép giới cầm quyền, hiện là đối lực, từng bước thay đổi.

Yếu tố rủi ro

Có thể người dân trong nước quan ngại sẽ bị GHPGVN hoặc công an gây khó nếu gửi đơn tố giác. Tố giác không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ công dân. Khi thấy xảy ra tội phạm, công dân có nghĩa vụ báo cho cơ quan công lực vào cuộc điều tra. Có lý do gì để trừng phạt, để làm khó?

Thực ra, gửi đơn tố giác có lẽ ít rủi ro hơn việc bình luận, phê phán trên mạng xã hội như nhiều người đang làm hiện này vì có thể bị chụp mũ vu khống, phỉ báng, xúc phạm nhân phẩm – chính là những điều mà Ông Thích Đức Thiện và GHPGVN đã và đang vi phạm.

Hơn nữa, càng nhiều người đồng loạt gửi đơn tố giác, sẽ càng khó cho GHPGVN hoặc nhà nước trả đũa, bưng bít, đe doạ.

Cuối cùng, nếu họ cứ làm bừa thì đó sẽ là đề tài để Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ yêu cầu nhà nước Việt Nam giải trình tại cuộc rà soát về Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị cuối năm nay.

Bài liên quan:

Một lần cho xong: Vô hiệu hoá tổ chức nguỵ tôn giáo làm con rối và cò mồi cho chế độ
https://machsongmedia.com/kienthuc/luatphap/2170-mot-lan-cho-xong-vo-hieu-hoa-to-chuc-nguy-ton-giao-lam-con-roi-va-co-moi-cho-che-do

Viết một bình luận