Định cư cựu thuyền nhân vào Canada: Các hồ sơ không hợp lệ – phần 1

  • Nguồn thông tin từ chính BPSOS

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 3 tháng 7, 2024

http://machsongmedai.org

Trong 4 năm qua, Ông Trịnh Hội và VOICE Canada đã đâm 6 đơn kiện về phỉ báng để “trừng phạt” những ai tố cáo tình trạng gian lận di dân của VOICE. Ông Trịnh Hội đã thua vụ kiện ở Houston, Texas và bị phán quyết phải trả toàn bộ chi phí luật sư cho bị đơn; ông ta cũng bị thua vụ kiện ở Buffalo, New York nhưng đang kháng cáo với triển vọng rất thấp. VOICE Canada tự ý rút 1 đơn kiện, và bị toà phán quyết huỷ 1 đơn kiện. Các thông tin từ cuộc điều tra của BPSOS có thể giúp ích cho bị đơn trong 2 vụ kiện chưa ngã ngũ, hoặc là căn cứ cho mọi bị đơn kiện ngược lại kẻ đã kiện họ.

Đến nay, cuộc điều tra đã khám phá 20 hồ sơ gồm 43 người với dấu hiệu vi phạm các điều khoản của bản MOU ký tháng 12 năm 2012 về chương trình định cư nhân đạo của Canada. Chúng tôi phân loại số hồ sơ này thành 3 nhóm (ghi trong ngoặc đơn là số người trong hộ).

Hình 1 – Trịnh Hội phỏng vấn với SBTN Canada, ngày 02/08/2013

Phân nhóm hồ sơ

Nhóm 1 gồm những hồ sơ do Cao Lê Vũ móc nối, gồm có: Cao Lê Vũ (2), Nguyễn Việt Trung (5), Lâm Phước Xe (4), Võ Văn Dũng (1), Trương Thị Lan Anh (1), Trương Vinh (1), Nguyễn Thuý (1), Phạm Hoàng Dũng (1), và Nguyễn Ngọc Vy (1) tổng cộng 17 người. Phần lớn họ có cơ sở làm ăn ở Thái Lan và/hoặc Việt Nam. Cao Lê Vũ, Lâm Phước Xe, và Nguyễn Việt Trung còn tham gia tổ chức Chính Phủ Việt Nam Tự Do, một đảng chính trị đặt bản doanh ở Hoa Kỳ và có nhiều thành viên đã bị án tù ở Hoa Kỳ, Thái Lan và Phi Luật Tân vì hành vi khủng bố.

Nhóm 2 gồm những hồ sơ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tổ chức Bạch Đằng Giang, gồm có: Lê Thị Ba (1), Trần Ngọc Tuấn (3), Nguyễn Trọng Anh (1), Nguyễn Hữu Nghĩa (1), Vũ Bá Thuận (3), Phan Văn Đức (3), Nguyễn Ngọc Huy (2), và Nguyễn Hữu Huân (5) tổng cộng 19 người. Họ là cựu thuyền nhân ở trại Sikiew, bị hồi hương cưỡng bức hay miễn cưỡng năm 1996 và quay lại Thái Lan năm 2011, ngoại trừ Nguyễn Hữu Huân quay lại Thái Lan năm 2014, chỉ vài tháng trước khi đi Canada.

Nhóm 3 gồm các hồ sơ được LM Peter Prayoon Namwong hỗ trợ và giới thiệu đến Cao Lê Vũ: Kieng Sabay (5), Thạch Đông (1), và Thạch Hiền (1) tổng cộng 7 người. Họ là những người Khmer Krom hoặc đã sang Campuchia sinh sống và có quốc tịch Campuchia hoặc chưa hề rời khỏi Việt Nam, đến cận ngày đi Canada thì mới sang Thái Lan. Thạch Đông và Thạch Hiền là anh em ruột nhưng khai là vợ chồng không hôn thú.

Bài này tập trung vào nhóm 2, là nhóm mà tôi biết rõ. Tôi biết họ hoặc biết về họ khi còn ở trại Sikiew và sau khi về Việt Nam; khi vừa quay lại Thái Lan năm 2011 họ đã liên lạc ngay với tôi. BPSOS đã hỗ trợ hồ sơ xin tị nạn cho một số người trong nhóm. Có những người được quy chế tị nạn và đã đi định cư ở Úc hoặc Hoa Kỳ. Số người còn lại bị từ chối tư cách tị nạn, mà tôi nghĩ là rất bất công. Thay vì làm kháng cáo với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ, họ được VOICE sắp xếp định cư theo chương trình nhân đạo của Canada dù bất hợp lệ.

Hồ sơ bất hợp lệ

Chương trình định cư nhân đạo của Canada chỉ dành cho các thuyền nhân và bộ nhân từ Việt Nam đến Thái Lan trong khoảng thời gian 1984 – 1991 và sống không quy chế (without status) ở Thái Lan từ đó cho đến ngày được lên đường đi Canada. Tôi đã phân tích điều kiện tiên quyết này trong bài “Bản MOU về tái định cư cựu thuyền nhân áp dụng cho những ai?”: https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2167-ban-mou-ve-tai-dinh-cu-cuu-thuyen-nhan-ap-dung-cho-nhung-ai

VOICE biết rõ điều kiện này và từng khẳng định tới lui nhiều lần rằng toàn bộ 105 người trong danh sách nộp cho Bộ Di Trú Canada năm 2012 đều hợp lệ:

“Hiện tại có 105 thuyền nhân Việt Nam đã và đang bị kẹt tại Thái Lan từ năm 1989, 1990. Họ đã bị rớt thanh lọc và sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo, không có bất kỳ một giấy tờ chứng minh nào (stateless) từ đó đến nay đã hơn 23 năm.” Thư ngỏ của VOICE do Giám Đốc Điều Hành Trịnh Hội ký ngày 1 tháng 2, 2013: Appendix B – Sources of quotes (trang 3)

“Trong con số người Việt tị nạn còn kẹt lại bên đó có 105 người thuyền nhân Việt Nam bị kẹt từ năm 1989, 90. Đó là họ bị kẹt 23 năm… Thái Lan thì không công nhận họ, không về Việt Nam được… và dĩ nhiên những nước thứ 3 như nước Mỹ, nước Canada không nhận họ. So, tình trạng tương lai của họ, thưa quý vị, là vô hạn định, không có biết là tương lai của mình sẽ ra sao.” Trịnh Hội phỏng vấn với VBS Canada ngày 28 tháng 7, 2013: https://youtu.be/mRJ6S5PRo-E (phút 1:56 – 3:35)

“Hiện giờ chúng ta còn 105 người bao gồm 33 gia đình thuyền nhân còn kẹt lại tại Thái Lan… những người này đã kẹt 23 năm rồi, thưa Quý Vị, là họ đã đi thuyền, vượt biên sang Thái Lan từ năm 89, 90 và bị kẹt tới bây giờ… họ không có giấy tờ gì hết, không có quyền lợi gì hết ở bên Thái Lan.” Trịnh Hội phỏng vấn với SBTN Canada ngày 2 tháng 8, 2013:

(phút 2:05 – 2:30)

Tính đến ngày 11 tháng 10, 2015, qua 5 chuyến, tổng cộng 85 người trong số 105 người ấy đã đến Canada. Đó là đợt 1 định cư theo chương trình nhân đạo của Canada.

Danh sách đợt 2

Tháng 10 năm 2015, Ông Đỗ Kỳ-Anh thông báo đợt 2 định cư gồm 12 gia đình với khoảng 40 người.

“Mùa hè vừa rồi đó [năm 2015] thì chính phủ Canada có liên lạc với VOICE Canada và có cho biết là chính phủ Canada hồi đó người ta có 12 trường hợp người ta đã bỏ, người ta không muốn cứu xét đến; bây giờ người ta sẵn sàng cho mình cứu xét lại vấn đề đó… VOICE Canada sẽ tiến hành để mà tìm những người bảo trợ và để mà lo tiếp cho 12 cái trường hợp sắp tới và có thể có khoảng 40 người sẽ được phỏng vấn và nếu mà những cái chương trình, những cái process nó go, nó đi suôn sẻ đó thì hy vọng là một năm hay là hơn một năm nữa thì cộng đồng chúng ta sẽ có thêm được 40 người tị nạn đến từ Thái Lan.” Đỗ Kỳ Anh phỏng vấn với SBTN Canada ngày 11 tháng 10, 2015:  

https://www.youtube.com/watch?v=tJMhD1CemRA

 (phút 04:01 – 04:45)

Pic_2_-_07-02-2024.jpg

Hình 2 – Đỗ Kỳ Anh phỏng vấn với SBTN Canada, ngày 11/10/2015

Đổi chác

Trong số 8 hồ sơ của nhóm 2, có 5 hồ sơ đi trong đợt 1, tất cả đều bất hợp lệ, gồm có: Nguyễn Hữu Nghĩa (1), Vũ Bá Thuận (3), Phan Văn Đức (3), Nguyễn Ngọc Huy (2), và Nguyễn Hữu Huân (5). Trong email gửi một số người quan tâm đề ngày 6 tháng 12, 2014, bà Lê Thị Ba cho tố giác:

* Nguyễn Hữu Nghĩa qua Thái lần 2 đầu năm 2011 cũng đi ngày 25/11 vừa qua.

* Vũ Bá Thuận cũng qua lần 2 vào đầu năm 2011. Nếu Thuận không về VN thì đã không bị CA huyện Bến Cát BD bắt vì tội, chở con trâu người ta ăn trộm, mà chị là người chở vợ anh ta (Nguyễn Thị Phụng) lên tận CA Huyện Bến Cát để tìm thăm gia đình này đã đi chuyến ngày 13/11.

* Nguyễn Ngọc Huy và vợ đi chuyến ngày 25/11.

* Vợ chồng Phan Văn Đức và Huỳnh Thị Chi về chung chuyến cưỡng bức với chị ngày 24/10 /1996 qua Thai lần 2 tháng 7/2011, đi chuyến ngày 25/11.

* Phan hữu Thái qua Thai lần đầu tháng 7/2011 chưa từng ở trại tỵ nạn ngày nào cũng đi chuyến ngày 25/11.

* Nguyễn Hữu Huân, riêng người này đã được ân sủng rất hậu vì Trịnh Hội đã nhờ Phạm Bá Hải ở VN nhắn tin tìm, suýt bị kẹt ở cửa khẩu Poipet, nhưng may mắn thoát đưa được vợ con qua và cũng đi chuyến 25/11 Nếu nói rằng CT này dành cho người không về VN thì không có tính thuyết phục,

Theo bà Ba, Trịnh Hội cho biết là “[chương trình] này chỉ dành cho TN [thuyền nhân] không hề trở về VN, hiện tại còn một số TN chưa về VN đang chờ Cha xác nhận??” Tuy nhiên, “Hội sẽ giúp chị một vé, chỉ riêng chị mà thôi, chị cố gắng tìm những câu văn nào hợp tình, hợp lý để giải thích với ACE có tên mà chị đã lập DS, tìm mãi cũng chẳng thấy câu văn nào cả !!”

Xem nguyên văn email của bà Lê Thị Ba: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/06/Appendix-D-Le-Thi-Bas-letter-English-translation.pdf

Bà Lê Thị Ba đòi thêm 3 chỗ cho gia đình người em gái mà chồng là Trần Ngọc Tuấn và 1 chỗ cho Ông Nguyễn Trọng Anh. Để đổi lấy sự im tiếng của bà Ba, Trịnh Hội đồng ý đưa cả 5 người vào danh sách đợt 2 dù bất hợp lệ.

Pic_3_-_07-02-2024.jpg

Hình 3 – Ông Nam Lộc phỏng vấn với Nửa Vòng Trái Đất TV, ngáy 13 tháng 8, 2018

Đổ thừa

Thế nhưng VOICE đổ thừa những người này là do LM Namwong lên danh sách.

“… Cha đưa danh sách có tên bà Ba. Cha đưa thẳng cho toà đại sứ. Toà Đại Sứ phỏng vấn bà Ba. Bà Ba đủ điều kiện, bà Ba đi định cư. Chuyện nó giản dị như vậy…” Phỏng vấn với Nửa Vòng Trái Đất ngày 13 tháng 8, 2018:

(phút 1:00:08 – 1:00:50)

“Cái list đầu tiên đã đi. Vào cái ngày phỏng vấn [cuối của list 1] thì chính Cha đã đến nói với Trịnh Hội. Cha nói rằng còn một số người nữa mà lúc 2006 mà để tên vô thì Cha quên đi, Cha không nhớ. Và Trịnh Hội mới nói rằng là, “Cha, nếu Cha muốn xin thêm thì chính Cha phải vô toà đại sứ Canada và cha nói với chính người phỏng vấn.” Cha đã vô, Cha nói với người phỏng vấn. Sau đó, vì vậy mới có cái danh sách thứ hai.” Trịnh Hội phát biểu tại buổi họp với một số cựu thuyền nhân và người tị nạn ở Bangkok, Thái Lan ngày 10 tháng 7, 2018: https://shorturl.at/4IkIP (phút 7:45 – 8:24)

Hoàn toàn sai sự thật. Trịnh Hội đã chặn không cho bà Ba liên lạc trực tiếp với LM Namwong mà bảo phải nộp danh sách cho Cao Lê Vũ, và cũng chính Trịnh Hội quyết định tặng 5 vé định cư để mua sự im lặng của bà Ba.

Lần thứ 1 vào khoảng đầu tháng 9/2014 chị gặp TH [Trịnh Hội], thì Hội bảo rằng phải có Cha Peter xác nhận, chứ bản thân Hội không biết ai là thuyền nhân ai không? Chị bảo rằng chị sẽ đem danh sách TN [thuyền nhân] sót tên xuống Sikiew để nhờ Cha xác nhận, hoặc nếu có thể chị sẽ cùng ACE xuống găp Cha thì Hội bảo chị cứ lập DS [danh sách] rồi đưa cho [Cao Lê] Vũ.” Email ngày 6 tháng 12, 2024 của bà Lê Thị Ba

Họ tha hồ đổ thừa vì biết rằng dễ gì ai liên lạc được LM Namwong để phối kiểm. Hơn nữa, LM Namwong không thể biết ai đã hồi hương và đã quay lại Thái Lan khi nào.

Sự thật

Nhưng tôi biết, ít ra là đối với nhóm 2. Ngay khi quay lại Thái Lan năm 2011, họ đã liên lạc với tôi.

“Để xác minh Danh Sách Nhóm  Của Chúng Tôi thuộc: “Người thật, việc thật, không ghi thêm TÊN MA”,  xin Qúy Vị vui lòng liên lạc trực tiếp với Tiến Sĩ NGUYỄN ĐÌNH THẮNG, Giám Đốc (Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Châu Á).

Địa Chỉ:  BPSOS/CAMSA. Po Box 8065 Falls Church, VA 22041- USA.

Sau khi đặt chân lên đất Thailand, Nhóm Chúng Tôi đả liên lạc với 2 Nữ Luật Sư đại diện cho T/Sĩ Nguyễn Đình Thắng tại Thailand, để được tư vấn về Pháp Lý, hướng dẫn thuê phòng trọ, giúp thủ tục đệ nạp lên Cao Ủy xin Tỵ Nạn, Chúng Tôi được BPSOS/CAMSA giúp tiền thuê chổ ở, mua gạo, mắm muối, và những vật dụng cần thiết…

Hoặc Qúy Vị có thể gọi điện trực tiếp bất kỳ thành viên nào trong Nhóm.

Ban Đại Diện Nhóm Người Tỵ Nạn Việt Nam: Trần Văn Long, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Trọng Anh

Danh sách trong nhóm: Vũ Bá Thuận (và vợ, con), Phan Văn Đức (và vợ, con), Lê Văn Kỳ (và vợ, 3 con), Trần Văn Long (và vợ, con), Nguyễn Văn Long (và vợ), Nguyễn Văn Nguơn (và con), Nguyễn Hữu Nghĩa, Lê Thị Ba, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Trọng Anh, Nguyễn Văn Mười… 

Danh Sách Nhóm Người Thượng “Tây Nguyên”: Số Anh, chị, Em Người Tây Nguyên mới đào thoát sang, chưa được Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc “UNHCR” sơ vấn, Tổ Chức BPSOS/CAMSA, đả cử 2 Nữ Luật Sư đến giúp Nhóm.” Trích email ngày 6 tháng 9, 2011 của những người này: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/06/Appendix-E-Communications-between-BDFG-members-and-BPSOS.pdf

Kết luận

Toàn bộ 8 hồ sơ thuộc nhóm 2 không ai lưu lạc 25 năm, 30 năm ở Thái Lan. Các ông Đỗ Kỳ Anh, Trịnh Hội và Nam Lộc biết vậy nhưng vẫn đưa họ vào chương trình định cư nhân đạo của Canada, rồi tuyên truyền đánh lừa dư luận. Họ dùng truyền thông và thưa kiện để trừng phạt những người lên tiếng, họ đe doạ các nạn nhân ở Thái Lan nào kêu gọi công lý, họ mua chuộc chứng nhân để bịt miệng. Họ nghĩ rằng không ai đủ hiểu biết về hồ sơ, về luật lệ và đủ sức đối đầu.

Do nắm rõ hồ sơ, hiểu rõ các quy định của bản MOU, và đủ sức, tôi có nghĩa vụ vào cuộc vì công đạo: (1) giúp những người bị kiện đánh bại các đơn kiện, đòi bồi thường, và có thể kiện ngược lại, (2) vận động cho các nạn nhân bị bỏ rơi có cơ hội tái định cư, (3) giải thoát cho một số người thoát tâm lý hàm ơn nên phải hùa theo và bao che cho sự sai trái và độc ác.   

Những người trong nhóm 2 đều xứng đáng được hưởng quy chế tị nạn và xứng đáng được tái định cư – tôi biết rõ hồ sơ của họ, nhưng không phải qua chương trình định cư nhân đạo của Canada. Nhưng họ đáng được thông cảm khi phải tìm đường thoát hiểm. Lỗi và tội thuộc về những kẻ cố tình làm trái luật xong bao che những sai phạm của mình.

Kết quả điều tra của chúng tôi cho thấy sự thật tệ hơn những gì đã trình bày ở trên.

Bài liên quan:

Chương trình tái định cư “cựu thuyền nhân” vào Canada: 40% đến 60% sai phạm hoặc gian lận
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2166-chuong-trinh-tai-dinh-cu-cuu-thuyen-nhan-vao-canada-40-den-60-sai-pham-hoac-gian-lan  

Viết một bình luận