Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2024: Nói gì về Việt Nam và Trung Quốc?

Từ trái qua: ông Benedict Rogers (Hong Kong Watch), bà Saho Matsumoto (Đại học Nihon), ông Bob Fu (ChinaAid), TS. Nguyễn Đình Thắng (BPSOS), và ông Tim Peters (Helping Hands Korea) tại Hội nghị Thượng đỉnh (chụp màn hình từ video của Tokyo Streaming Services). 

 

Hải Di Nguyễn

Ngày 22-23/7/2024 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế – Khu vực châu Á (International Religious Freedom Summit – Asia, viết tắt IRF Summit – Asia) đã diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản.

Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế là sự kiện diễn ra hàng năm tại Hoa Kỳ, và trong năm 2024, đã được tổ chức vào ngày 30-31/1 tại thủ đô Washington. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2023 tại Đài Loan, họ cũng tổ chức thêm hội nghị dành riêng cho châu Á, và tiếp tục trong năm nay tại Nhật Bản.

BPSOS có trong ban tổ chức và TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, là một trong các diễn giả.

Vậy họ nói gì về các chế độ độc tài cộng sản, đặc biệt Việt Nam và Trung Quốc?

 

Bốn nước cộng sản

Ông Benedict Rogers, người sáng lập tổ chức Hong Kong Watch, nói tại Hội nghị Thượng đỉnh “Châu Á có một vài chế độ độc tài thuộc loại tàn bạo và áp bức nhất trên thế giới. Trong số đó là bốn nước cộng sản, Trung Quốc, tiếc thay bây giờ bao gồm Hong Kong; Việt Nam; Lào; Bắc Hàn; cộng thêm chế độ độc tài quân sự nắm quyền từ cuộc đảo chính năm 2011 ở Miến Điện. Tại các quốc gia này, quyền tự do tôn giáo đã bị đàn áp nặng nề từ nhiều năm nay.”

Bản thân ông Benedict Rogers, vì viết báo, vì hoạt động nhân quyền, vì lên tiếng tố cáo các hành vi chà đạp tự do, cho biết mình từng hai lần bị trục xuất khỏi Miến Điện, từng bị cấm nhập cảnh vào Hong Kong, từng bị dọa tù, và bị nêu tên trong phiên tòa xử nhà bất đồng chính kiến Lê Trí Anh (tức Jimmy Lai). 

 

Trung Quốc: “có lẽ đang chứng kiến giai đoạn tệ nhất [về tự do tôn giáo] từ sau Cách mạng Văn hóa”

Tại Hội nghị Thượng đỉnh IRF – Khu vực châu Á, ông Benedict Rogers nói Trung Quốc có những giai đoạn “đàn áp dữ dội” và một số giai đoạn “tương đối nới lỏng kiểm soát”, nhưng hiện nay “chúng ta có lẽ đang chứng kiến giai đoạn tệ nhất [về tự do tôn giáo] từ sau Cách mạng Văn hóa. Chúng ta thấy nạn diệt chủng người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), tàn bạo gia tăng ở Tây Tạng, tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công, và sự đàn áp nghiêm trọng và khốc liệt với người Thiên Chúa giáo.”

Ông cũng nói, Hong Kong, từ một trong những nơi tự do nhất ở châu Á, đã trở thành một nhà nước giám sát (surveillance state) và người dân bị tước đoạt mọi quyền tự do, bao gồm tự do tôn giáo. 

Trong hội luận “Tự do niềm tin trong các chế độ độc tài”, ông Bob Fu, Người sáng lập và Chủ tịch tổ chức ChinaAid, là người phát biểu về Trung Quốc.

“Ngoài ba vụ diệt chủng Cựu Đại sứ Sam Brownback đã nhắc tới, diệt chủng người Uyghur, người Tây Tạng, và học viên Pháp Luân Công, khoảng 100-130 triệu người Trung Quốc theo Thiên Chúa giáo đang phải đối mặt với vụ đàn áp tồi tệ nhất từ sau Cách mạng Văn hóa.

“Trước thời của Tập Cận Bình, cách Trung Quốc quản lý hay đàn áp người Thiên Chúa giáo thường theo hướng kiểm soát, có thể gay gắt hơn ở một số vùng. Nhưng sau khi Tập lên nắm quyền, mục tiêu của chính quyền Tập Cận Bình đã chuyển từ việc kiểm soát và đồng hóa sang xóa bỏ và tiêu diệt.”

Ông Bob Fu cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc cấm trẻ con, sinh viên, và bác sĩ y khoa theo đạo Thiên Chúa; cưỡng ép tín đồ từ bỏ đạo trước công chúng; khuyến khích người dân bội tín và tố cáo lẫn nhau; cấm giáo dục tư thục Thiên Chúa giáo; trục xuất các nhà truyền đạo người nước ngoài, kể cả những người làm từ thiện; ra lệnh cho các nhà thờ hát quốc gia của nhà nước cộng sản trước khi hát ca ngợi Chúa, v.v.

Ông Tim Peters (tổ chức Helping Hands Korea) chủ yếu nói về tình trạng đàn áp tôn giáo và nhân quyền ở Bắc Hàn, nhưng cũng nhắc tới việc nhà nước Trung Quốc bắt giữ và tống về nước những người trốn chạy từ Bắc Hàn.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong buổi hội luận “Tầm quan trọng địa chính trị của tự do tôn giáo ở châu Á” (chụp màn hình từ video của Tokyo Streaming Services). 

Vì là đất nước có dân số lớn nhất thế giới và là một trong những quốc gia có ảnh hưởng nhất, Trung Quốc bị nhắc tới nhiều lần tại Hội nghị Thượng đỉnh. TS. Katrina Lantos Swett và Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng nói tới sự đàn áp nhân quyền đi đôi với mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn. 

 

TS. Nguyễn Đình Thắng nói gì về tự do tôn giáo ở Việt Nam?

IRF Japan 2024 NDT

(Chụp màn hình từ video của Tokyo Streaming Services). 

Trong hội luận “Tự do niềm tin trong các chế độ độc tài”, TS. Nguyễn Đình Thắng nói về cách nhà nước Việt Nam kiểm soát tôn giáo nhưng khéo tô vẽ hình ảnh tôn trọng tự do và đa dạng tôn giáo, qua các tổ chức tôn giáo và ngụy tôn giáo họ lập ra hoặc điều khiển, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Bắc, Chi phái Cao Đài 1997, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo, và Ủy ban Đoàn kết Công giáo.

Ông cũng nói về sự phối hợp giữa Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Công an để kìm kẹp và đàn áp tôn giáo—càng đáng lo ngại khi Cựu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cách đây vài tháng trở thành Chủ tịch nước, và hiện nay cũng đang giữ quyền Tổng Bí thư sau cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng.

Một chủ đề khác được nêu ra tại hội luận là đàn áp xuyên quốc gia. Ông Bob Fu nhắc tới việc nhà nước Trung Quốc khống chế và đe dọa người sống ở nước ngoài—bản thân ông Benedict Rogers cư ngụ tại Vương quốc Anh cũng bị thư đe dọa từ Hong Kong—TS. Nguyễn Đình Thắng cũng nói về các hình thức đàn áp xuyên quốc gia của cộng sản Việt Nam. Ông đặc biệt nêu ví dụ tổ chức Người Thượng vì Công lý và người đồng sáng lập, anh Y Quynh Bdap, bị vu cáo liên quan tới vụ khủng bố ngày 11/6/2023.

Ngoài ra, hội luận cũng nhắc tới việc Tòa thánh Vatican tìm cách thỏa hiệp với hai nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, trong khi người Công giáo vẫn đang tiếp tục bị ngược đãi. 

 

Việc Hội nghị Thượng đỉnh IRF diễn ra ở châu Á có ý nghĩa gì?

Như đã viết trong bài trước, việc Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế tổ chức thêm sự kiện ở châu Á có ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, nó cho thấy các nhà hoạt động, nhà vận động về tự do tôn giáo và các tổ chức nhân quyền quốc tế hướng sự quan tâm tới khu vực châu Á, bao gồm Việt Nam. Hội nghị Thượng đỉnh tại châu Á từ đó trở thành diễn đàn cho người vận động về nhân quyền ở Việt Nam.

Thứ hai, đây là cách phương Tây thành lập liên minh với các nước dân chủ châu Á, lôi kéo Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vào phong trào tự do tôn giáo quốc tế. Điều này cũng sẽ có lợi cho phong trào ở Việt Nam.

Ngay sau hội nghị, ban tổ chức có buổi họp lập sách lược để lập một bàn tròn tự do tôn giáo ở Nhật. TS. Nguyễn Đình Thắng cũng cho biết, sau đó ông đi Đài Loan để tiếp xúc với một số tổ chức uy tín, kêu gọi họ góp sức vào phong trào đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo toàn cầu. 

Mọi người có thể xem lại hội luận “Tự do niềm tin trong chế độ độc tài” tại đây. 

 

Bài liên quan: 

Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit), Nhật Bản: 22/7/2024

Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2024: Vì sao tổ chức ở châu Á?

 

Quý vị độc giả muốn nhận bài viết của Mạch Sống qua email có thể ghi danh ở cuối trang. 

Viết một bình luận