Chị H Biap Krong, cáo buộc khủng bố, và chiến thuật thất bại của Bộ Công an

Chị H Biap Krong phát biểu về các vấn đề của người Thượng tại EMRIP (Cơ chế Chuyên gia về Quyền lợi Người Bản địa) ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 9/7/2024. 

 

Hải Di Nguyễn

Ngày 6/3/2024, chị H Biap Krong đột ngột nghe tin Bộ Công an xếp mình là khủng bố. Run lên vì tức. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc khi đó.

“Một tuyên bố rất nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng.”

Chị H Biap Krong, sắc tộc Êđê, là một nhà hoạt động nhân quyền người Thượng (nhưng không thuộc tổ chức Người Thượng vì Công lý), và là nhân viên của BPSOS.

Khi đó, chị vẫn đang ở Thái Lan, một quốc gia không ký Công ước 1951 về vị thế người tỵ nạn.

 

Chị H Biap Krong làm những công việc gì? 

Theo chị H Biap Krong, chị hoạt động về 4 mảng khác nhau:

  • Về người tỵ nạn: làm hồ sơ bảo lãnh tư nhân đi Canada; hỗ trợ khi người tỵ nạn sắp tái định cư cần trả tiền phạt để ra khỏi Thái Lan… Trước đây, chị làm việc cho Cao ủy Tỵ nạn LHQ năm 2017-2019.
  • Về người bản địa: làm báo cáo về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, vận động ở LHQ… Chẳng hạn, tháng 11/2023, chị là một trong những người tham dự phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination, thường viết tắt là CERD). Tháng 7/2024 vừa qua, chị cũng phát biểu về các vấn đề liên quan tới người Thượng tại Cơ chế Chuyên gia về Quyền lợi Người Bản địa (Expert Mechanism on the Rights of Indigenous Peoples, viết tắt EMRIP).
  • Về tự do tôn giáo: viết báo cáo tại LHQ; vận động ở Hoa Kỳ và LHQ; phát biểu tại các hội nghị về tự do tôn giáo, như Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Summit, viết tắt IRF Summit), Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Ministerial Conference)…
  • Về nhân quyền: hỗ trợ cho các cộng đồng và nhóm người Thượng bị bách hại; viết báo cáo về các vụ cưỡng chế đất ở Việt Nam; vận động về nhân quyền; gặp các nhân viên LHQ về những vấn đề như đàn áp xuyên quốc gia, nhà nước trả thù các nhà hoạt động nhân quyền…

 

Vì sao bị cáo buộc khủng bố?

Bộ Công an, theo Báo Đại biểu Nhân dân đưa tin, xếp chị H Biap Krong là một trong các “đối tượng cầm đầu” của tổ chức Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice, thường viết tắt MSFJ), và nói họ “tài trợ tiền, chỉ đạo mua sắm vũ khí, phương tiện, tiến hành tấn công khủng bố, giết hại cán bộ và người dân, phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân nhằm thành lập “Nhà nước riêng” ở Tây Nguyên.”

Chị H Biap Krong nói mình chưa bao giờ là thành viên của Người Thượng vì Công lý.

Cho tới nay, chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chị H Biap Krong hay tổ chức Người Thượng vì Công lý có liên quan tới vụ xả súng ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk, hay bất kỳ hành vi bạo lực nào khác.

Nhà cầm quyền Việt Nam, chị nói, dùng vụ tấn công ngày 11/6/2023 “làm cái cớ để gán cho những người hoạt động ôn hòa như chúng tôi.” 

Chị H Biap Krong nói “Đương nhiên nhà nước Việt Nam không thích khi mình có những mối quan hệ với LHQ như vậy. Thành ra họ dùng chiêu cuối cùng, đó là gán mình tội khủng bố, để danh tiếng mình mất đi trước những người mình cộng tác chung.”

Một chi tiết đáng chú ý là, dù có cáo buộc khủng bố, chị cho biết mình không bị lệnh truy nã chính thức từ nhà nước Việt Nam.

 

LHQ phản ứng như thế nào?

Sau cáo buộc của Bộ Công an, BPSOS ngay lập tức thông báo cho LHQ. Bản thân chị H Biap Krong cũng báo cho văn phòng LHQ ở Thái Lan vì càng rơi vào tình trạng không an toàn.

Ngày 14/6/2024, 13 Báo cáo viên Đặc biệt LHQ gửi thư cáo buộc tới chính phủ Việt Nam, nhắc tới điều này và một số vấn đề khác liên quan tới người Thượng.

Như đã viết trước đây, BPSOS có góp phần cung cấp và kiểm chứng thông tin cho bức thư trên, và tháng 6/2024, TS. Nguyễn Đình Thắng của BPSOS cũng có mặt tại Geneva để họp với các Báo cáo viên Đặc biệt. Phía LHQ cũng phỏng vấn trực tiếp một số người liên quan, trong đó có chị H Biap Krong.

Ngoài bức thư cáo buộc gửi chính phủ Việt Nam ngày 14/6/2024 và công bố ngày 13/8, Cao ủy Nhân quyền LHQ cũng có thêm một bài viết ngày 28/8, bày tỏ quan ngại về việc nhà nước Việt Nam lạm dụng luật chống khủng bố với người Thượng và các nhóm Thiên Chúa giáo thiểu số ở Tây Nguyên.

 

Chiến thuật của Bộ Công an thất bại

“Sau khi nghe, tôi mất tinh thần làm việc trong 3-4 ngày. Sau đó tôi nhận được rất nhiều email từ Freedom House, họ cũng hỏi thăm. Rồi OHCHR (Cao ủy Nhân quyền LHQ). Rồi Amnesty International cũng hỏi thăm… Còn một số tổ chức khác cũng nhớ tới mình, nên mình lấy lại tinh thần”, chị H Biap Krong kể lại.

Vậy chị làm gì để thuyết phục các cơ quan nhân quyền và tổ chức quốc tế là mình vô can?

“Tôi không phải chứng minh gì. Họ biết mình rồi. Khá là thân thiết rồi,” chị H Biap Krong nói. “Người ta đủ biết mình là ai, người ta hiểu công việc của mình… Nhưng tôi có gửi tất cả các báo cáo và có giải thích cho họ thêm tại sao mình bị cáo buộc. Và họ là chuyên gia, họ theo dõi tình hình Việt Nam, nên họ hiểu những gì mình nói.”

Chị cũng nói “Nhà nước Việt Nam là một trong những nhà nước đứng đầu trong việc chuyên gán nhãn khủng bố cho các tổ chức XHDS. Nó không còn lạ với những người hoạt động nhân quyền nữa.”

Có thể thấy Bộ Công an dùng hai chữ “khủng bố” vừa để có cớ tăng cường áp bức người Thượng; vừa để đánh đổ danh tiếng tổ chức Người Thượng vì Công lý và các nhà vận động như chị H Biap Krong; vừa tạo con ngáo ộp hù dọa người dân, làm họ không dám hó hé cung cấp thông tin và bằng chứng các vụ đàn áp; vừa để LHQ, Hoa Kỳ, và các tổ chức quốc tế e ngại, cắt đứt mọi liên lạc với chị và tổ chức XHDS này.

Không chỉ vậy, với một người tỵ nạn như chị H Biap Krong, cái mũ “khủng bố” còn có thể làm tắc lại quá trình tái định cư, làm mắc kẹt ở Thái Lan, vì các quốc gia nhận định cư tỵ nạn sẽ ngần ngại dè chừng với những người bị cáo buộc là khủng bố.

Chiến thuật đó đã hoàn toàn thất bại, với bằng chứng rõ ràng nhất là lá thư cáo buộc do 13 Báo cáo viên Đặc biệt gửi chính phủ Việt Nam.

 

Án oan

Chị H Biap Krong may mắn được thoát khỏi Thái Lan.

Nhưng còn những người khác? Trong số 100 người trong phiên xử tháng 1/2024 về vụ tấn công ngày 11/6/2023, bao nhiêu người vô tội? Ai trong số họ đang chịu tù đày về một vụ giết người họ chẳng liên quan?

Còn trường hợp anh Y Quynh Bdap của tổ chức Người Thượng vì Công lý, bị xử vắng mặt tuyên án 10 năm tù giam, và đang phải hầu tòa ở Thái Lan với nguy cơ bị dẫn độ về nước?

Còn số phận bao người Thượng khác ở Việt Nam và ở Thái Lan, càng bất an, càng bị kìm kẹp từ sau sự kiện ngày 11/6/2023?

 

Sau cáo buộc

“Từ ngày 16/6 đến ngày 13/7, tôi ở Geneva, tôi được nhận học việc với Cao ủy Nhân quyền cùng với 48 đại diện khác người bản địa toàn cầu.”

Chị H Biap Krong cho biết mình học về luật quốc tế; về luật nhân quyền; về các cơ chế về quyền trẻ em, quyền phụ nữ, vấn đề đất đai, vấn đề trả thù…; về phát triển XHDS; về ngoại giao, v.v.

“Tôi đang muốn sử dụng kiến thức mình học để đào tạo bằng tiếng Việt cho người Thượng.”

 

Bài liên quan: 

Y Quynh Bdap và người Thượng: LHQ cáo buộc gì với Việt Nam và Thái Lan?

Y Quynh Bdap và người Thượng: Tại sao hai bức thư của LHQ có ý nghĩa quan trọng?

Các chuyên gia LHQ: Người Thượng bị đàn áp ở Tây Nguyên, bị đe doạ ở Thái Lan

Người Thượng bị ảnh hưởng như thế nào sau vụ xả súng 11/6?

Khi cây súng giả và nỏ bắn cá trở thành công cụ tuyên truyền

Viết một bình luận